Thất bại ở vòng loại World Cup 2026 đã giúp bóng đá Việt Nam nhận diện lại chỗ đứng của mình. Từ đó cho thấy chúng ta nên điều chỉnh hướng đi, nhắm đến những đích đến gần hơn như duy trì vị thế ở Đông Nam Á, vô địch ASEAN Cup, có mặt tại VCK Asian Cup 2027 trước khi tính đến chuyện đường xa (nhưng chưa khả thi) như tốp 10 châu Á hay được dự World Cup.
1. Với quãng thời gian làm việc cùng HLV Philippe Troussier, đội tuyển Việt Nam từ hạng 94 thế giới đã trôi tuột xuống hạng 115 và mất luôn ngôi số một Đông Nam Á về tay Thái Lan. Chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào HLV người Pháp, đổi lại phải nhận những “chén đắng” ở mọi cấp độ. Bóng đá Việt Nam đã kịp “tỉnh đòn” để nhận ra rằng không thể để mọi việc đi chệch quá tầm kiểm soát. Phải nhanh chóng lấp đầy khoảng trống chuyên môn, sau những thất bại toàn diện vừa qua của đội tuyển Việt Nam.
Những gì đọng lại trong gần 2 năm qua, giống như “nốt trầm” của bóng đá nước nhà. Bóng đá có lúc thăng, lúc trầm, không thể tránh khỏi điều đó. Chúng ta gác lại chuyện đã qua, để tỉnh táo tìm ra hướng đi trong bối cảnh mới. Cụ thể, phải đánh thức được niềm tin, bản năng chiến thắng của các thế hệ tuyển thủ. Một nền bóng đá đã có được vị thế hàng đầu khu vực mà thời gian gần đây thua nhiều hơn thắng, lung lay niềm tin là khó chấp nhận, trong khi trình độ Thái Lan và Indonesia đã đi lên, như thế rõ ràng có vấn đề nghiêm trọng.
Giai đoạn chững lại gần đây ở cả ĐTQG lẫn các cấp độ trẻ đã cho thấy những lỗ hổng lực lượng. Lứa trẻ của bóng đá Việt Nam chơi khá ấn tượng với 2 HCV SEA Games liên tiếp nhưng đã “hụt hơi” ở SEA Games 32. Việc thiếu đi nguồn bổ sung chất lượng đã khiến những HLV kế nhiệm ông Park loay hoay với bài toán tái thiết đội tuyển Việt Nam.
2. Rõ ràng, những thất bại liên tục của bóng đá Việt Nam phần nào mang đến những hiệu ứng không tốt. Những khán đài trống vắng trong những trận đấu gần đây của đội tuyển Việt Nam ở sân Mỹ Đình là minh chứng.
Việc người hâm mộ không lấp đầy các sân đấu cho thấy phần nào sức hút của các cấp đội tuyển Việt Nam đang giảm một cách rõ rệt. Thực tế trên đang đặt lên vai HLV Kim Sang Sik không ít áp lực. Đích đến quan trọng nhất trong năm 2024 chính là ASEAN Cup, nơi bóng đá Việt Nam phải khẳng định lại vị thế số một khu vực.
Tuy nhiên, với những gương mặt cũ và lối chơi chưa tạo được dấu ấn, nhiều câu hỏi đang được đặt ra về chiến thuật của HLV Kim Sang Sik. Liệu ông có thể mang đến điều gì mới mẻ với những con người đã gắn bó nhiều năm với đội tuyển?
HLV Kim Sang Sik muốn mang đến luồng sinh khí mới cho đội tuyển Việt Nam. Chính vì thế, ông đang nỗ lực lồng ghép người trẻ ở những trận đấu giao hữu chuẩn bị cho ASEAN Cup 2024. Đây là lúc người trẻ thể hiện mình và khi giải đấu Đông Nam Á đã cận kề, trước mặt HLV Kim Sang Sik cùng học trò là cả “núi” công việc.
Có thể thấy, những thất bại gần đây đã khiến bóng đá Việt Nam rơi vào “quãng trầm”. Điều quan trọng nhất lúc này là các cầu thủ cần cởi bỏ mọi áp lực tâm lý hay dư vị “no nê” thành tích. Công bằng mà nói, chất lượng cầu thủ hiện tại của Việt Nam không hề thua kém các đội bóng trong khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để khơi dậy khát vọng và tìm lại phong độ đỉnh cao của họ. Tinh thần của đội tuyển đã phần nào suy giảm sau những thất bại liên tiếp và kết quả không như ý.
HLV Kim Sang Sik cần phải tạo dựng lại tinh thần chiến đấu, đồng thời vực dậy niềm tin cho các cầu thủ trước thềm những giải đấu quan trọng.
Tự bản thân mỗi cầu thủ phải đặt mình vào tâm thế “đi tìm ngày xưa đã mất”. Chẳng có con đường nào là dễ dàng nếu như bóng đá Việt Nam và mỗi cầu thủ Việt không tự hun đúc lòng dũng cảm, quyết tâm dấn thân, chinh phục những đỉnh cao mới. Dù thất bại, thậm chí phải trả giá nhưng không có “cú ngã” nào vô ích. Chỉ cần các cầu thủ thể hiện được đúng khả năng vốn có để có thể chơi bóng với cảm hứng cùng sự thăng hoa cao nhất, niềm vui chiến thắng sẽ trở lại với đội tuyển Việt Nam.