Sau 20 năm, TP.HCM mới quay lại tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc (năm 2026), và theo thông tin trong cuộc họp rà soát mới nhất với sự chủ trì của Bộ VH,TT&DL thì thành phố dự chi 1.000 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp hàng loạt cơ sở vật chất, trong đó có hạng mục gây chú ý nhất là sân vận động Thống Nhất.
Nhu cầu sửa sân Thống Nhất thì có từ lâu, nhưng cũng phải đợi đến khi có một sự kiện tầm cỡ được tổ chức thì mới đủ cơ sở để thành phố chi tiền. Điều đó cho thấy cái khó của thể thao Việt Nam trong đầu tư hạ tầng cơ bản cho thể thao đỉnh cao, kể cả khi đó là một địa điểm vừa có tính biểu tượng mà lại đang được sử dụng ở công suất cao nhất nhờ có bóng đá V-League, so với các cơ sở vật chất khác.
Nhưng điều đáng nói hơn, đó là kể từ sau SEA Games 2003, với lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Đại hội này và TP.HCM có tổ chức vài môn thi đấu, thì đến nay, Đại hội TDTT toàn quốc 2026 là sự kiện đa môn lớn nhất mà thành phố lớn nhất nhì quốc gia này đứng ra tổ chức. Chưa bàn đến quy mô hay tính chất của Đại hội, nhưng có lẽ đã có nhiều kỳ vọng lớn hơn dành cho TP.HCM.
Ví dụ như việc đăng cai SEA Games chẳng hạn. Có lúc thành phố đã dự kiến tổ chức kỳ Đại hội 2017, nhưng… rồi thôi. Kỳ SEA Games gần nhất diễn ra ở Việt Nam (2021), thì Hà Nội vẫn là điểm đến mặc dù thông lệ SEA Games bây giờ chủ yếu là diễn ra ở các địa phương ngoài Thủ đô của các quốc gia nếu đã đăng cai ít nhất một lần. Xem ra, muốn đăng cai SEA Games thì TP.HCM cũng phải đợi khoảng hơn một thập niên nữa mới đến lượt.
Tại sao người ta kỳ vọng nhiều hơn ở TP.HCM? Câu trả lời đó là dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc sau gần 3 thập niên hiện vẫn còn trên bàn giấy và diện tích quy hoạch ngày một nhỏ lại theo thời gian.
Đó từng là một dự án mang tính biểu tượng, được xem là tương xứng với tầm vóc của thành phố. Hơn nữa, thực trạng của cơ sở vật chất hiện tại đã không còn đáp ứng được yêu cầu của các sự kiện tầm cỡ thế giới. Kể cả khi khu Rạch Chiếc được xây dựng, thì xem như thành phố đã trải qua 3-4 thập niên không hề có thêm địa điểm thể thao hiện đại đẳng cấp nào tính từ Nhà thi đấu Phú Thọ được khánh thành năm 2003.
Như câu chuyện về sửa sân Thống Nhất, thì muốn KLH TT Rạch Chiếc hình thành, thành phố cần một “big bang”, tức là một sự kiện đủ lớn để có cơ sở sử dụng vốn đầu tư công.
Vấn đề là không dễ để có một sự kiện như vậy nếu thể thao thành phố vẫn phải “ăn đong” trên những gì đã cũ. Nói cách khác, chỉ khi nào số lượng giải đấu, sự kiện quốc tế được tổ chức dày đặt, sôi nổi thì mới phát sinh ra nhu cầu xây mới các địa điểm lớn hơn. Tức là chuyện “con gà – quả trứng”.
Hồi năm 2018, dù được chọn là địa điểm đăng cai Đại hội TDTT lần VIII nhưng rốt cục An Giang phải chuyển giao về cho Hà Nội do không thể “đốt hơn 3.000 tỷ đồng để xây cơ sở vật chất mới. An Giang rút lui là do bài học của thể thao Đồng Tháp, với việc xây cả khu liên hợp thể thao chỉ để phục vụ Hội khỏe Phù Đổng 2000 rồi không sử dụng được gì.
Nghĩa là điều quan trọng nằm ở nhu cầu thực tế. Phải đợi đến khi tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc thì sân Thống Nhất mới có cơ hội “thay áo”, cũng có hiểu là dù xuống cấp theo thời gian thì các địa điểm thi đấu hiện nay của TP.HCM vẫn…ổn. Vậy thì bao giờ mới có “big bang”?