Chúng ta đã chính thức bước sang ngày 10/10/2024 – thời điểm được cộng đồng chờ đợi và hướng về trong nhiều ngày qua. Ngày này tròn 70 năm trước (10/10/1954) là mốc son Giải phóng Thủ đô – sự kiện trọng đại đã khắc sâu trong lòng người dân Hà Nội cũng như cả nước.

Và trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tái hiện lại ngày 10/10 lịch sử ấy – cũng như khái quát lại chặng đường phát triển của Hà Nội trong 70 năm qua – hẳn nhiều người đều nhận ra một hình ảnh quen thuộc mang tính biểu trưng: Cột cờ Hà Nội.

Được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, Cột cờ Hà Nội thuộc loại hình “kỳ đài” vừa mang giá trị thể hiện chủ quyền của một thể chế, vừa trở thành điểm nhấn của các đô thị thời phong kiến với độ cao rất lớn để chiếm lĩnh không gian phía trên. Và, với độ tuổi hơn 200 năm cùng chiều cao khoảng 40 mét (nếu tính cả trụ treo cờ), không có gì lạ nếu coi đây là một di sản kiến trúc có giá trị rất lớn với Hà Nội.

Góc nhìn 365: Nhớ về "chứng nhân" Cột cờ Hà Nội - Ảnh 1.

Nhưng, việc Cột cờ Hà Nội trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô không chỉ bắt nguồn từ đó. Một sự kiện trọng đại đã diễn ra chiều ngày 9/10/1954, lá cờ đỏ sao vàng của chúng ta đã được kéo lên tại di tích này.

Và, buổi lễ chào cờ vào chiều 10/10 sau đó do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long (thời điểm đó gọi là sân Cột Cờ) – sự kiện thu hút cộng đồng toàn thành phố hướng về – chính là lễ chào cờ lịch sử của chúng ta trong ngày Giải phóng Thủ đô.

***

Đều đặn, những tư liệu và câu chuyện về lễ chào cờ lịch sử ngày 10/10/1954 vẫn được nhắc lại và chia sẻ cùng cộng đồng vào dịp kỷ niệm thường niên. Xa hơn, lễ chào cờ lịch sử này cũng đã có những lần được tái hiện, trong những bối cảnh khác nhau.

Chẳng hạn, dịp kỷ niệm 65 năm ngày 10/10 (2019),Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức chương trình “Ký ức mùa thu” tại sân Đoan Môn. Bên cạnh việc trưng bày tư liệu, các nhân chứng lịch sử và gia đình, cũng như các khách mời, đã cùng thực hiện nghi lễ chào cờ đúng tại vị trí của đoàn quân giải phóng năm xưa.

Rồi, cuối năm 2023, một lễ chào cờ tương tự cũng được tổ chức tại đây trong chương trình Giáo dục di sản “Em tìm hiểu di sản” nhằm mục đích giáo dục truyền thống và ôn lại lịch sử dân tộc. Ở đó, ngoài đội nghi lễ, những người thực hiện lễ chào cờ là học sinh của nhiều trường học trên thành phố.

Và như thế, từ câu chuyện về biểu trưng mang tên Cột cờ Hà Nội trong ngày Giải phóng Thủ đô, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ tới ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc. Như lời ông, đã tới lúc, lễ chào cờ lịch sử tại không gian này cần được tái hiện và duy trì như một nghi thức thường xuyên vào dịp 10/10 mỗi năm – kèm theo những trưng bày, giới thiệu đầy đủ về giá trị và nội dung của nó tới người dân Thủ đô. Đó là cách tôn vinh một sự kiện lịch sử, và cũng là tôn vinh một kiến trúc mang tính biểu tượng cho ngày 10/10 của Hà Nội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]