Cửa ô dẫu biết là một kiến trúc

Trưng bày do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức, nhân dịp 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Chuyên đề kéo dài từ nay tới ngày 30/10, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Hoài niệm lối vào kinh thành xưa

Tổng hợp tư liệu trong triển lãm, có thể thấy, thành Thăng Long – Hà Nội được xây dựng theo kiểu 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau, được gọi tam trùng thành quách.

Vòng thành ngoài cùng, rộng lớn nhất là La thành hay Đại La thành. Đây vốn là một lũy đất mượn thế theo dòng chảy của 3 con sông: Sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu. Thành được các triều đại phong kiến xây dựng với 2 chức năng chính: phòng thủ trước sự xâm lăng từ bên ngoài và phòng chống ngập lụt.

Lịch sử Hà Nội được vun bồi từ những cửa ô - Ảnh 1.

Tuy nhiên, đến đầu thời Mạc, thành Đại La mới được xây dựng kiên cố hơn. Theo sử liệu, năm 1749, chúa Trịnh Doanh đã cho đắp một tòa thành đất bao bọc khu Hoàng thành. Ở bên ngoài thành, xung quanh có hào nước sâu, cắm chông bảo vệ.

Trên thân thành đất mở ra 8 cửa để cho người dân qua lại. Kiến trúc mỗi cửa gồm: một cửa chính và 2 ô cửa phụ 2 bên. Trên cửa có vọng lâu canh gác 8 cửa đều có kích thước, hình dạng giống nhau. Dạng kiến trúc này được gọi là “ô môn”. Từ “ô” còn có nghĩa là “ổ”, chỉ khu đất trũng, xung quanh đắp cao tạo thành vật che chắn. Cũng là lũy đất bao vây làng xóm, để ngăn chặn sự xâm phạm từ bên ngoài. Tên các cửa ô ở Thăng Long thường được đặt, chọn theo tên làng, hay tổng mà cửa ô đó nằm trên. Bên cạnh đó, một số cửa ô còn có tên gọi dân gian. Chẳng hạn, cửa ô Thịnh Quang còn gọi là ô Cầu Dừa.

Hoạt động giao thương giữa Thăng Long với các vùng khác chủ yếu thực hiện qua đường sông. Đặc biệt, dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc. Nơi đây tập trung nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài. Ngoài ra, khu vực bờ sông Hồng còn có chức năng quân sự. Có thể tấn công ra phía bên ngoài theo nhiều hướng. Hệ thống hào sâu, cọc tiêu vừa giúp phòng thủ, vừa đảm bảo cho vận chuyển, liên lạc được thuận tiện nhất. Nên 11 trong số 16 cửa ô tập trung ở phía Đông, hướng ra sông Hồng. Phía Tây có 2 cửa, phía Nam có 3 cửa thì hướng ra sông Tô Lịch. Sự sầm uất cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Bởi vậy, tại các cửa ngõ ra vào kinh thành này đều có tuần phiên canh gác vào ban đêm.

Lịch sử Hà Nội được vun bồi từ những cửa ô - Ảnh 2.

Biến thiên về số lượng cửa ô

Từ vị thế kinh đô của các triều đại phong kiến, Thăng Long bị hạ cấp xuống thành Bắc Thành thuộc tỉnh Hà Nội, dưới đầu triều Nguyễn. Cùng với đó, nơi đây cũng nhiều lần được điều chỉnh về quy hoạch không gian. Từ đó, từ 21 cửa ô theo Bắc thành dư địa chí soạn đầu thế kỷ 19, Hà Nội chỉ còn 16 cửa ô.

Trong bản đồ Tòa thành Hà Nội do Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng năm 1831, có ghi vị trí và tên của 16 cửa ô. Ngoài ra, trên tòa thành đất bao bọc vòng ngoài còn xác định được 2 cửa ô là Trung Hiền (hiện ở ngã tư Bạch Mai – Đại La – Trương Định – Minh Khai) và Tây Dương (nằm trước cây Cầu Giấy bắc qua sông Tô Lịch). Nhưng đến bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866, chỉ còn 15 cửa ô, mất đi ô Nhân Hòa. Đồng thời, nhiều cửa ô được đổi tên mới: Yên Hòa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long, Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào. Và số lượng 15 cửa ô vẫn giữ nguyên trên bản đồ Hà Nội năm 1873. Tên các cửa ô được thể hiện bằng hai ngôn ngữ và đánh số từ 01 đến 15.

Lịch sử Hà Nội được vun bồi từ những cửa ô - Ảnh 3.

Năm 1888, thực dân Pháp đã cách ép vua Đồng Khánh ra chỉ dụ cắt đất cho họ, để lập khu nhượng địa. Và gọi là thành phố Hà Nội. Như vậy, ngoài tỉnh Hà Nội lập dưới thời Minh Mạng còn có thành phố Hà Nội thuộc Pháp. Địa giới thành phố Hà Nội bấy giờ hẹp hơn địa giới kinh đô Thăng Long cũ. Bắt đầu từ dốc Yên Hoa (nay là Yên Phụ) theo chiều kim đồng hồ xuống đến Cơ Xá Nam (tương ứng với cảng Hà Nội hiện nay), sau đó vòng ra cửa ô Thanh Bảo (tương ứng với khu vực bến xe Kim Mã), rồi vòng trở lại dốc Yên Hoa. Từ đây, các cửa ô được phân biệt thành ranh giới giữa nội thành và ngoại thành, người trong ô và ngoài ô.

Khi xây dựng thành phố Hà Nội, người Pháp nhiều lần nhắc đến bức lũy Đại La xây năm 1749 để xác định giới hạn quy ước của đô thị Hà Nội. Lá thư của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Đốc lý Hà Nội ngày 30/12/1889 đã nhấn mạnh: “Bức lũy cũ phải được coi như giới hạn của thành phố”. Chúng cũng là những con đê cao hơn phố xung quanh, nhưng nay đã bị bạt đi khá nhiều. Nay là những con đường, phố: Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, La Thành, Giảng Võ, Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám…, với tổng chiều dài 16 km. Các cửa ô qua dãy lũy này có vai trò quan trọng để các nhà quy hoạch xác định hướng giao thông chính và vùng dân cư, đồng thời, trở thành nét đặc trưng của Hà Nội.

Lịch sử Hà Nội được vun bồi từ những cửa ô - Ảnh 4.

Để bảo vệ an ninh của thành phố nhượng địa Hà Nội, năm 1889, chính quyền Pháp thành lập khu “ngoại thành” Hà Nội. Khu vực gồm các xã của huyện Vĩnh Thuận và một số xã của huyện Thanh Trì. Cụ thể là từ Yên Phụ vòng ra Nhật Tân, chạy ra Cầu Giấy theo sông Tô Lịch đến khu vực Lương Yên ngày nay. Từ khi lập ra khu “ngoại thành”, chính quyền Pháp lập thêm đồn chốt ở các con đường chính từ ngoại thành dẫn vào trong phố. Các chốt chính được lập tại chợ Bưởi, Cầu Giấy, đầu phố Yên Hoa, ngã tư Vọng và đầu phố Bạch Mai ngày nay. Họ cấm không cho ăn mày ăn xin vào trong phố, kiểm tra thẻ của những người lao động tự do vào làm công trong nội đô, ai không có thẻ là không cho vào.

Theo biến thiên của thời gian, nhiều cửa ô của Thăng Long – Hà Nội chỉ còn là “hồn thu thảo”. Chẳng hạn như, ngày 12/1/1893, Phòng Quản lý Đường bộ Hà Nội gửi thư Đốc lý thành phố đề nghị phá cửa Sơn Tây (ô Cầu Giấy) vì có nguy cơ bị đổ, nguy hiểm cho người dân qua lại.

“Chứng nhân” của Hà Nội

Đến nay, chỉ còn lại duy nhất ô Quan Chưởng. Lý do cửa ô này không bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc xuất phát từ biên bản họp phiên họp vào ngày 3/4/1905 của Hội đồng thành phố Hà Nội về việc phá bỏ cửa ô trên phố Jean Dupuis, nay là phố Hàng Chiếu. Trong đó có viết: “Cửa ô này […] có giá trị khảo cổ không hề kém cạnh những di tích còn lại của Hoàng thành […] Dù chưa thể khẳng định, cửa ô có giá trị thẩm mỹ lớn lao, thì công trình này vẫn có vai trò quan trọng. Đồng thời, là một loại hình kiến trúc hiếm có và độc đáo ngày nay”. Chính từ sau sự kiện đó, người Pháp đã quyết định giữ lại ô Quan Chưởng.

Lịch sử Hà Nội được vun bồi từ những cửa ô - Ảnh 6.

Tham quan triển lãm, PGS-TS. Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đánh giá: “Hoạt động trưng bày về các cửa ô là 1 hoạt động có ý nghĩa. Qua đó, gợi lại cho người xem ký ức về những cửa ô đã từng và hiện còn tồn tại. Để biết rằng, đây là dấu tích, chứng nhân của người Hà Nội về quá trình xây dựng, phát triển thành phố”.

Trên đây là nội dung trong chủ đề thứ nhất của chuyên đề, mang tên Cửa ô xưa. Đến với triển lãm, khán giả sẽ được thưởng ngoạn một Hà Nội với tiến trình kể từ sau sự kiện Giải phóng Thủ đô vào năm 1954 cho đến nay. Thông qua 2 chủ đề kế tiếp là Cửa ô chiến thắng và Cửa ô Hà Nội hôm nay, người xem thấy được một Thủ đô đã từng oằn mình vượt qua những bom đạn của chiến tranh và rồi, từng bước trở thành Thành phố vì Hòa bình.

Chủ đề:
Thẻ:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *