Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 17 năm 2024 của báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) công bố 9 đề cử chính thức trên 4 hạng mục của mùa giải năm nay là Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.
Kết quả của Giải thưởng sẽ được công bố tại lễ trao giải, diễn ra từ 16h30 – 19h30, thứ Ba, 8/10/2024 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) do báo Thể thao và Văn hoá phối hợp với Công ty cổ phần Ashui Việt Nam (Ashui Vietnam Corporation) và Công ty cổ phần Tập đoàn Gỗ Minh Long tổ chức.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội. Hội đồng giám khảo của Giải thưởng gồm những tên tuổi uy tín như: nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội (chủ tịch Hội đồng); nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa; và đặc biệt năm nay, Hội đồng giám khảo có thêm một thành viên mới là PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Trải qua 16 mùa giải, đã có hơn 150 tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm được công nhận là đề cử chính thức, đã có gần 70 giải thưởng được trao, trong đó có 15 Giải thưởng Lớn lần lượt được trao cho: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019), nhạc sĩ Phú Quang (2020), nhạc sĩ Hồng Đăng (2021), đạo diễn Trần Văn Thủy (2022) và gần đây nhất là đạo diễn Đặng Nhật Minh (2023).
Lễ trao giải hằng năm đã trở thành một ngày hội vinh danh những cá nhân, tập thể có nhiều cống hiến cho Hà Nội trong năm.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm nay diễn ra vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), do đó Ban tổ chức quyết định xây dựng một lễ trao giải với quy mô xứng tầm, kết hợp với hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống và triển lãm những tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất được đề cử.
Tại mùa giải năm nay, trên cơ sở một danh sách dự kiến đề cử gồm 54 “ứng viên”, Hội đồng giám khảo đã tổ chức 2 phiên họp để chọn ra 9 đề cử chính thức. Từ 9 đề cử này, Hội đồng giám khảo tiếp tục bỏ phiếu để chọn ra 4 giải thưởng, gồm: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng, và Giải Việc làm. Kết quả này sẽ được công bố tại Lễ trao giải.
Đối với Giải thưởng Lớn – hạng mục quan trọng nhất – theo truyền thống của giải thưởng – hằng năm, dù xét trên một danh sách rộng rãi, nhưng chỉ công bố duy nhất một Đề cử Giải thưởng Lớn, đồng thời trao giải cho đề cử đó. Vì vậy, Ban tổ chức xin giữ bí mật đề cử đó đến Lễ trao giải.
Sau đây là danh sách các đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2024:
(xếp theo thứ tự a, b, c)
I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN: Công bố tại Lễ trao giải
II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM (3 đề cử)
1. Cuốn sách “Chuyến thăm Hà Nội” của nhà văn người Mỹ Susan Sontag (Phan Xích Linh dịch, NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản năm 2024)
2. Phim điện ảnh “Đào, Phở và Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn (Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất)
3. Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” của Đào Thị Diến do NXB Hà Nội và Nhã Nam xuất bản
III. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM (3 đề cử)
1. Dự án “Chuyện đình trong phố” do quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm nghệ sĩ thực hiện
2. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức
3. Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV “Going Home” của nghệ sĩ saxophone Kenny G do báo Nhân Dân và IB Group Việt Nam thực hiện
IV. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG (2 đề cử)
1. Đề xuất khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ” của quận Tây Hồ
2. “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023
THÔNG TIN SƠ BỘ VỀ CÁC ĐỀ CỬ CỦA GIẢI
* ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM
1. Cuốn sách “Chuyến thăm Hà Nội” của nhà văn người Mỹ Susan Sontag (Phan Xích Linh dịch, NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản năm 2024)
Chuyến thăm Hà Nội kể về chuyến đi của nữ nhà văn người Mỹ Susan Sontag đến Hà Nội vào tháng 5/1968 với tư cách một người ủng hộ phong trào phản chiến ở Mỹ trong thập niên 1960.
Nếu chỉ dừng lại ở nhan đề Chuyến thăm Hà Nội, ta dễ hình dung đến một ghi chép có tính chất thăm thú, tản mạn. Thế nhưng, tác phẩm này có sức nặng hơn thế. Đọc nó, ta thấy một bút ký đích thực, có tính tư tưởng cao, viết về những trải nghiệm và thể hiện cách nhìn của một trí thức người Mỹ về Hà Nội, rộng ra là cả miền Bắc Việt Nam, con người Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh cam go.
Trong cuốn sách này, tác giả Susan Sontag không đi sâu miêu tả từng sự kiện, từng cảnh vật ở Hà Nội, mà bà dành phần lớn những trang viết để giãi bày những suy tưởng, những câu chuyện mang tầng tầng, lớp lớp ý nghĩa. Ở góc độ đó, Chuyến thăm Hà Nội đúng nghĩa là một tự sự về tâm trạng của một trí thức Mỹ đầy ngổn ngang, mâu thuẫn khi lần đầu tiên được tiếp xúc với một Việt Nam “bằng xương bằng thịt”.
Thế nhưng, dẫu có viết bằng góc nhìn cá nhân chân thực, thẳng thắn, thậm chí có phần gai góc nhưng trong Chuyến thăm Hà Nội không thiếu đi những hình ảnh đầy sức gợi về Hà Nội của một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Để rồi, chỉ cần bằng những trải nghiệm đầu tiên cũng đủ khiến những người từ phía ngoài có tình cảm sâu sắc với thành phố này.
Còn rất nhiều những suy tưởng mà Susan Sontag giãi bày trong cuốn sách của mình. Những suy tưởng ấy biến Chuyến thăm Hà Nội trở thành một “cuộc hành trình nội tâm” của riêng tác giả, nhưng cũng đầy gợi mở cho người đọc hôm nay thêm hiểu về một giai đoạn lịch sử đặc biệt được soi chiếu từ góc nhìn phía bên ngoài.
Susan Sontag (1933 – 2004) là nhà văn, nhà phê bình, triết gia và nhà hoạt động chính trị người Mỹ – người được đánh giá là một trong những trí thức có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của bà. Các tác phẩm nổi tiếng của bà gồm: Against Interpretation (1966), On Photography (1977), Illness as Metaphor (1978), The Way We Live Now (1986), The Volcano Lover (1992), In America (1999) và Regarding the Pain of Others (2003).
2. Phim điện ảnh “Đào, Phở và Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn (Công ty cổ phần Phim truyện 1 sản xuất)
Bối cảnh chính của phim là chiến lũy Hà Nội vào những giờ phút cuối cùng trước khi người dân và quân ta rời Hà Nội lên Việt Bắc kháng chiến trường kỳ. Một bộ phim về chiến tranh không những khắc họa được hình ảnh Hà Nội oanh liệt trong kháng chiến mà ở đó, từng con người Hà Nội hiện lên can trường, anh dũng nhưng rất đỗi hào hoa, thanh lịch với tình yêu trọn vẹn dành cho Thủ đô. Cốt cách con người Hà Nội đã làm nên linh hồn và sự cuốn hút cho bộ phim.
Nói về tình yêu Hà Nội, khi bộ phim vừa được chọn là đại diện của Việt Nam gửi tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar, đạo diễn Phi Tiến Sơn tâm sự: “Ngay từ khi còn nhỏ, ngày ngày cắp cặp đi học – hồi đó tôi học vẽ ở Cung thiếu nhi – đi qua Khu di tích Bắc Bộ Phủ, thấy hàng rào sắt còn vết đạn bắn, tôi đã biết về cuộc chiến từng xảy ra ở đây. Và dần lớn lên, tôi cảm nhận mỗi hòn gạch, mỗi con phố, mỗi góc nhà Hà Nội dường như đều ẩn chứa những dấu tích hào hùng… Nhiều năm sau khi bắt đầu đi làm phim, tôi mong rằng mình được làm phim về Hà Nội. Các bậc tiền bối đi trước đã làm nhiều phim về Hà Nội và làm rất hay. Vậy thì khi mình làm, thì mình sẽ nhìn trang lịch sử của Hà Nội bằng con mắt nào đây? Hà Nội có vô vàn trang sử đẹp và một trong số đó là giai đoạn người Hà Nội mang bàn ghế, giường tủ, đồ đạc ra dựng chiến luỹ trên đường phố và rồi với vũ khí rất thô sơ, đã chống lại cuộc xâm chiếm của quân Pháp với xe tăng, với vũ khí hiện đại, với đội quân tinh nhuệ… Sự không cân sức đó, sự quyết liệt đó của người Hà Nội, của chiến luỹ Hà Nội là một biểu tượng rất đặc biệt. Chúng ta đã dựng chiến lũy trên đường phố đánh nhau trực diện với kẻ thù. Hình ảnh đó đã đọng lại mãi trong tôi. Và nó đẹp vô cùng. Phải làm phim về nó”!
3. Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” của Đào Thị Diến do NXB Hà Nội và Nhã Nam xuất bản
Cuốn sách Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873 – 1945) (NXB Hà Nội, Nhã Nam, 2024) của tác giả Đào Thị Diến là một nghiên cứu công phu và toàn diện về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, nhà nghiên cứu Đào Thị Diến có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, từ đó đem đến một nét độc đáo trong cách tiếp cận lịch sử Hà Nội ở cuốn sách này. Đó là, lịch sử được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ.
Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) là một tập hợp 40 bài viết hoàn toàn dựa trên tài liệu về Hà Nội của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Nó có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử Hà Nội thời cận đại, đặc biệt là những tài liệu về mặt xây dựng và quản lý đô thị cũng như bảo vệ các di sản văn hóa của Hà Nội. Những tài liệu được sử dụng trong cuốn sách này có thể giúp các cơ quan chức năng rà soát, thể chế hóa các quy định của Nhà nước nhằm tạo ra một hành lang pháp lý để đảm bảo quản lý đô thị phát triển theo đúng quy hoạch và có thể đóng góp hiệu quả vào việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa của Thủ đô.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng giám khảo, nhận định: “Cuốn sách này tập hợp những bài viết đã được công bố trên nhiều diễn đàn (kỷ yếu hội thảo, tạp chí, web của các trung tâm lưu trữ…) liên quan đến lịch sử Hà Nội thời cận đại và đề cập tới nhiều lĩnh vực rất cụ thể. Cũng chính vì vậy, nó có những đóng góp rất thiết thực vào việc nhận thức lịch sử Hà Nội, bổ sung và sửa được không ít những sai sót của giới sử học nói chung. Tôi đánh giá rất cao điểm này và đó cũng là lợi thế của người làm trong ngành lưu trữ. Các bài viết tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong công bố khoa học (xuất xứ, ghi chú, mục lục, sách dẫn, tài liệu tham khảo v.v…)”.
Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến, sinh năm 1953 tại Hà Nội là tác giả của các sách chuyên về Hà Nội đã xuất bản: Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954), 2 tập; Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954. Bà còn tham gia biên soạn các sách: Từ điển đường phố Hà Nội; Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội; Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính; Địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay). Nói về Hà Nội, bà đinh ninh: “Nếu không có một tình yêu mãnh liệt với nơi chôn nhau cắt rốn của mình là Hà Nội, nếu không vì muốn lan tỏa những kiến thức về Hà Nội cho những người cùng có tình yêu Hà Nội như mình, làm sao tôi có thể vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành những cuốn sách về Hà Nội mà tôi đã từng viết…”
* ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM
1. Dự án “Chuyện đình trong phố” do quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm nghệ sĩ thực hiện
Dự án đánh thức các ngôi đình trong khu phố cổ Hà Nội bằng cách đưa nghệ thuật vào triển lãm do quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm nghệ sĩ thực hiện, nhằm tạo sức sống cho các di sản, thúc đẩy việc phát huy giá trị di sản, hướng tới xây dựng Hoàn Kiếm là quận sáng tạo của Thủ đô.
Các ngôi đình sau khi được trùng tu, cải tạo sẽ được quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ sử dụng làm nơi tổ chức các hoạt động triển lãm giới thiệu, quảng bá các nghề truyền thống gắn với phố nghề và ông tổ nghề đang được thờ phụng tại đình. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ đã triển khai các hoạt động trên tại 7 ngôi đình, gồm: Nam Hương, Hà Vĩ, Tú Thị, Trung Yên, Yên Thái, Phả Trúc Lâm, Hội quán Phúc Kiến. Quá trình tương tác, sáng tạo từ truyền thống tiếp tục được triển khai đến 10 ngôi đình khác ở quận Hoàn Kiếm, như: Đình Đông Hương, Cổ Vũ, Vũ Thạch…
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của dự án “Chuyện đình trong phố”, cho biết, đây là dự án nghệ thuật theo hình thức xã hội hóa và được kì vọng “đánh thức” các ngôi đình cũ – vốn thường chỉ được mở cửa thắp hương tháng đôi lần. Ở đó, các trưng bày – cũng như tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ – được đặt trong không gian của các ngôi đình để kể những câu chuyện về chính lịch sử hình thành nên chúng, cũng như sự độc đáo của những phường nghề truyền thống tại đất Kẻ Chợ xưa.
Chẳng hạn, tại đình Hà Vĩ (phố Hàng Hòm), thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư, các trưng bày mở ra câu chuyện từ nghề sơn ta cho tới những sản phẩm thiết kế sơn mài mỹ nghệ, cũng như tác phẩm hội họa tranh sơn mài của nhiều họa sĩ. Tại đình Tú Thị (phố Yên Thái) thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, đó là các tác phẩm tranh lụa kết hợp kĩ thuật thêu tay của nghệ nhân, cũng như những sản phẩm mỹ nghệ thêu thay của một số thương hiệu lớn trên phố Hàng Gai.
Đáng nói, đây không phải là những cuộc trưng bày diễn ra trong vài ngày. Đến thời điểm hiện tại, các nội dung trưng bày tại 7 ngôi đình trong phố cổ vẫn được giữ nguyên về cơ bản và có kế hoạch duy trì, thậm chí phát triển thêm về lâu dài.
Nhìn lại, trong quá khứ, những ngôi đình luôn giữ chức năng như một trung tâm kết nối cộng đồng. Và theo góc nhìn ấy, những cách tiếp cận của “Chuyện đình trong phố” chính là một phương thức bảo tồn độc đáo để trả lại sự sống động cho những không gian này. Ở đó, hoạt động nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ đã tạo nên sự tương tác và đối thoại đặc thù, để những ngôi đình xưa cũ đảm nhiệm một “sứ mạng” mới: Kết nối không chỉ với người dân bản địa mà cả với du khách thập phương.
Xa hơn, như kì vọng của những người thực hiện, những ngôi đình trong phố cổ Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành những không gian sáng tạo độc đáo – khi các nghệ sĩ trẻ hôm nay sẽ nối dài nguồn cảm hứng sáng tạo của những nghệ nhân xưa để phát triển những dự án nghệ thuật cộng đồng.
2. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2021 tại Hà Nội. Tuy nhiên, lần tổ chức thứ 3 năm 2023 vừa qua đã có nhiều bước đột phát lớn về quy mô và địa điểm – khi các kiến trúc cũ thời Pháp như tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm… được sử dụng và thu hút một lượng lớn nghệ sĩ tham gia.
Với chủ đề “Dòng chảy”, diễn ra với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc, 20 trưng bày và triển lãm, 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…, lễ hội đã thu hút 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan tháp nước Hàng Đậu; 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung…
Bên cạnh việc “khơi nguồn” sáng tạo cho các nghệ sĩ – điều vốn luôn được khuyến khích trong xu thế phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo Hà Nội – thành công của lễ hội còn nằm ở việc trực tiếp đánh thức sự quan tâm của dư luận tới các di sản công nghiệp trong thành phố.
Theo đó, trong bối cảnh chính sách di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại nhiều di sản công nghiệp giàu tiềm năng, những không gian này hoàn toàn có thể được “đánh thức” để trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, dịch vụ, sản phẩm mới, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến sự phát triển bền vững.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 do UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT) và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
3. Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV “Going Home” của nghệ sĩ saxophone Kenny G do báo Nhân Dân và IB Group Việt Nam thực hiện
Đây là MV được quay khi Kenny G có chuyến biểu diễn tại Hà Nội vào tháng 11/2023 trong chương trình Good Morning Vietnam do báo Nhân Dân và IB Group Việt Nam tổ chức. Trong MV Going Home nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cầu Long Biên. Thủ đô ngàn năm văn hiến hiện lên với vẻ đẹp vừa bình yên, vừa lãng mạn, hào hùng và cổ kính. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G còn có dòng lưu bút khen ngợi dành cho Việt Nam: “Hà Nội là thành phố tuyệt diệu cùng với những con người tuyệt vời. Cảm ơn vì sự chào đón nồng nhiệt của các bạn đã dành cho tôi. Thân ái, Kenny G”.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân đã chia sẻ: “Khi báo Nhân Dân khởi xướng chương trình Good Morning Việt Nam, chúng tôi trăn trở: nếu chỉ mời nghệ sĩ đến biểu diễn thuần túy với mục đích cao đẹp – sử dụng tiền bán vé dành cho công tác thiện nguyện – đã là rất tốt rồi. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn cần phải có sự khác biệt hơn. Và khi trao đổi với nhau, chúng tôi nghĩ ra ý tưởng mời nghệ sĩ quảng bá cho du lịch Việt Nam.
Thực ra, để quay một MV như vậy vô cùng tốn kém nên khi đưa ra ý tưởng, chúng tôi không dám chắc nghệ sĩ đồng ý. Lúc đầu, chúng tôi còn nghĩ sẽ quảng bá du lịch Việt Nam nói chung nhưng sau đó nhận thấy việc này sẽ phải di chuyển đến nhiều nơi, vừa tốn kém về mặt vật chất nhưng quan trọng hơn là nghệ sĩ không thể có thời gian đi nhiều nơi.
Do sự kiện Good Morning Việt Nam diễn ra tại Hà Nội nên nghĩ lại, chúng tôi thấy phù hợp nhất là thuyết phục nghệ sĩ quay với những địa danh ở Thủ đô. Và thực hiện MV khi hướng tới dấu mốc kỉ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô thì lựa chọn điểm quay tại Hà Nội là phương án có ý nghĩa và khả thi hơn cả.
Rất may khi đề xuất với nghệ sĩ, anh Kenny G đã nhận lời ngay. Phải nói, chúng tôi rất bất ngờ và niềm vui không thể nào tả được”.
Ông Lê Quốc Minh phân tích, để giới thiệu về Hà Nội, về du lịch nói chung bằng hình ảnh đẹp, câu bình hấp dẫn trong các video thì có lẽ đã có muôn người làm rồi. Nhưng sử dụng âm thanh rất đẹp của những nghệ sĩ nổi tiếng thì ít nơi làm được. Đặc biệt là nghệ sĩ trình diễn còn hóa thân vào video như một nhân vật để thể hiện thì cách làm này không quá phổ biến trên thế giới.
Có thể thấy, với sự xuất sắc trong hình ảnh, cộng với sức hút của Kenny G, sau một thời gian ra mắt, MV Going Home đã nhận được hàng triệu lượt xem trên tất cả các nền tảng phát hành. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Điều quan trọng là hình ảnh của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã được lan tỏa tới công chúng Việt Nam cũng như thế giới theo một cách dễ tiếp nhận, đi sâu vào lòng người và từ đó dẫn đến hành động: du khách quốc tế đến Việt Nam từ một đến nhiều lần, du khách nội địa cũng đến Hà Nội nhiều lần hơn nữa.
* ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG
1. Đề xuất khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ” của quận Tây Hồ
Đây là ý tưởng trong “Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận” đang được quận Tây Hồ xây dựng, xin ý kiến thành phố thông qua.
Ngày 10/1/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành các Quyết định số 178/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý Hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ và Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý và khai thác Hồ Tây. Trên cơ sở này, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND quận, các phòng, ban, ngành và đặc biệt là sự nỗ lực của Ban Quản lý Hồ Tây đã xây dựng “Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận”.
Về tiến độ của đề án này, ông Nguyễn Hưng Quốc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Hồ Tây (quận Tây Hồ) cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thiện tất cả các thủ tục liên quan đến mời thầu, đấu thầu và kết quả phê duyệt nhà thầu tư vấn đã có. Ngay từ tháng 10 này, chúng tôi xác định làm việc với công suất và cường độ cao nhất, dự kiến trong khoảng 2 tháng để đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, chúng tôi sẽ có được một đề án sơ bộ có đầy đủ nội dung. Sau khi có đề án hoàn thiện, chúng tôi sẽ trình lên UBND thành phố để xin ý kiến, sau đó báo có Thường trực Thành ủy để thông qua đề án này, chuẩn bị cho các bước thực hiện trong thực tế”.
Cũng theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Hồ Tây Nguyễn Hưng Quốc, phạm vi của đề án có rất nhiều nội dung, trong đó có nội dung đề xuất khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ”.
“Bát cảnh Tây Hồ” vốn là 8 thắng cảnh của vùng đất Tây Hồ được các tao nhân mặc khách của kinh thành Thăng Long xưa lưu lại trong các áng thơ văn và thư tịch cổ. 8 thắng cảnh này bao gồm: Bến trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đàn thề Đồng Cổ, Tượng Phật say Thụy Chương, Sâm cầm hồ Tây, Cánh đồng hoa Nghi Tàm; Làng Khán Xuân, Tiếng đàn hành cung.
Trong thực tế, trải qua những biến động của lịch sử, đến nay “Bát cảnh Tây Hồ” đã thay đổi rất nhiều. Do đó, để hiện thực hóa ý tưởng phục dựng “Bát cảnh Tây Hồ”, ông Nguyễn Hưng Quốc cho biết, các đơn vị chức năng của quận Tây Hồ sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa và các CLB những người yêu Hà Nội, người dân các làng nghề quanh Hồ Tây để có thông tin rõ ràng về dư địa chí của Hồ Tây, từ đó tập hợp và đưa vào đề án cho phù hợp và thuyết phục nhất.
Từ ý tưởng để đến hiện thực hóa việc khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ” sẽ còn là một hành trình dài. Thế nhưng, ý tưởng này ý nghĩa ở chỗ đã thể hiện được tầm nhìn của quận Hồ Tây trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung. Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là những điếm nhấn trong việc phát triển văn hóa, du lịch của cả khu vực Hồ Tây và Hà Nội. Và ngay trong giai đoạn này, bản thân đề xuất đó đã thể hiện được khát vọng, tầm nhìn và tình yêu sâu sắc của những người xây dựng đề án đối với Hà Nội.
2. “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023
Đồ án xuất phát từ thực tế: Quần thể hồ Thiền Quang – Công viên Thống nhất là khu vực có cảnh quan đẹp, nên thơ với đầy đủ mặt hồ, cây xanh, bóng mát. Bên cạnh đó, khu vực cũng có nhiều công trình giá trị như quần thể chùa Quan Hoa – Pháp Hoa – Thiền Quang; Nhà văn hóa Học sinh – Sinh viên Hà Nội, Rạp xiếc Trung ương… Tuy nhiên, việc xây dựng, nâng cấp cảnh quan khu vực chưa tương xứng vói các giá trị hiện có, các không gian thiếu sự kết nối tổng thể, nhiều khu vực có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng…
Trọng tâm của đồ án là tạo lập không gian, cảnh quan trên nguyên tắc bảo tồn tối đa diện tích mặt hồ và hệ thống cây xanh, cung cấp tiện ích, tạo các khoảng mở để nâng cao khả năng thị giác của người tham quan quanh hồ.
Theo định hướng, toàn bộ phần hè phố đi bộ Trần Nhân Tông sẽ được nâng cấp, cải tạo thành không gian rộng, thông suốt từ tượng đài Công an nhân dân tới cổng chính Công viên Thống Nhất và kết nối trục quảng trường trong Công viên, từ đó tạo ra kết nối giữa hồ Thiền Quang và hồ Bẩy Mẫu trong Công viên. Ngoài ra, tại khu vực nhạc nước trên hồ Thiền Quang cũng xây dựng một trục phụ gắn kết giữa hồ với Công viên.
Đặc biệt, điểm nhấn của quần thể này là các không gian mở. Quảng trường trung tâm trên phố Trần Nhân Tông được quy hoạch là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, lễ hội, đồng thời là “điểm mở” dẫn dắt người dân vào tham quan Công viên. Ngoài ra, tại 4 góc hồ Thiền Quang, 4 không gian mở sẽ được thiết lập với chủ điểm tượng trưng theo 4 mùa của Hà Nội để phục vụ để phục vụ sinh hoạt cộng đồng, cũng như khơi gợi cho du khách về vẻ đẹp theo mùa của Hà Nội.
Như vậy, nhìn tổng thể, ý tưởng của đồ án là gắn kết hồ Thiền Quang với Công viên Thống Nhất để tạo thành 1 quần thể thống nhất, lấy hoạt động bên ngoài Công viên – cụ thể là khu vực quanh hồ – để gợi mở, thu hút người dân khám phá thêm các hoạt động trong Công viên và phát huy giá trị tổng thể.
Về tiến độ, đồ án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tổ chức cải tạo cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang) đã được triển khai từ 3/2024 và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 (tạo lập không gian trung tâm và hoàn thiện các nội dung còn lại) dự kiến chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 và hoàn thành năm 2026.
Bên cạnh đồ án này, một số dự án khác liên quan tới khu vực hồ Thiền Quang như cải tạo tu bổ cụm 3 chùa Quan Hoa – Pháp Hoa – Thiền Quang, cải tạo Công viên Thống Nhất… cũng đang được triển khai ở các thời điểm khác nhau. Với các lợi thế, giá trị về cảnh quan, không gian của tổng thể hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất sau khi hoàn thành được kì vọng sẽ là điểm nhấn về cảnh quan của quận Hai Bà Trưng và của Hà Nội.