Nhưng không phải cho vị trí HLV, mà cho chiếc ghế… giám đốc kỹ thuật. Nhà cầm quân người Hà Lan đã biến việc sa thải hay không sa thải ông, một chuyện rất bình thường của bóng đá hiện đại, thành một màn tranh cãi về mặt triết lý bóng đá.
Sự kiên nhẫn phù phiếm của MU
Ngay trận mở màn mùa 2022-23, MU thất thủ 1-2 trước Brighton tại sân nhà Old Trafford. HLV Erik ten Hag nói trong phòng họp báo: “Tôi không thể yêu cầu người hâm mộ kiên nhẫn. Nhưng tôi hy vọng họ sẽ như thế, vì họ muốn thấy đội chiến thắng và đó là lý do tôi đến đây. Tôi cần thời gian để hiện thực hoá điều đó”.
Cuối tháng trước, sau trận hoà thất vọng với Twente ở Europa League, vẫn Ten Hag, ngồi trong phòng họp báo, đưa ra “yêu cầu”: “MU đang thay đổi tích cực, và để xây dựng một đội bóng chất lượng thì cần phải có thời gian”. Ông đòi hỏi cho thêm thời gian sau khi đã dẫn dắt MU hơn 2 năm, và vừa trải qua khởi đầu tồi tệ nhất của đội bóng này trong kỷ nguyên ngoại hạng Anh (chỉ giành 8 điểm sau 7 vòng).
Một tuần trước, The Athletic đăng một bài phân tích dài về cụm từ mà Ten Hag sử dụng ngày một nhiều thời gian gần đây để xin thêm sự kiên nhẫn: Mẫu hình trận đấu (game model). Họ phát hiện ra rằng Ten Hag bắt đầu sử dụng thuật ngữ này trong các cuộc phỏng vấn vào cuối mùa giải trước, sau khi ông chủ mới Sir Jim Ratcliffe bắt đầu tiếp quản MU.
Ý tưởng của Ten Hag, như ông trình bày, là biến MU thành một đội bóng cố gắng kiểm soát các trận đấu bằng cách duy trì áp lực lên đối thủ ở 1/3 cuối sân đội bạn. Sau khi đội của ông đã đẩy hàng phòng ngự của đối phương đến giới hạn, MU sẽ tấn công nhanh và ghi bàn.
Sau mùa giải 2023-24 thảm hại, HLV người Hà Lan dành cả mùa Hè để nhấn mạnh tham vọng biến MU thành đội bóng “chuyển trạng thái hay nhất thế giới”, và giải thích rằng ý định tốt đẹp này đã bị phá hỏng mùa trước bởi quá nhiều chấn thương: “Nếu chúng tôi có đủ cầu thủ sẵn sàng (về thể lực, phong độ), chúng tôi có thể xây dựng một đội bóng chơi năng động, rất chủ động và tốc độ” – Ten Hag nhắc lại điều này trước trận gặp Crystal Palace vào tháng trước. “Chúng tôi có thể chơi rất tốt trong các tình huống chuyển trạng thái, nhưng chúng tôi cũng muốn ra quyết định dựa trên việc kiểm soát bóng và từ đó tìm những khoảnh khắc hợp lý để tăng tốc”.
Nguỵ biện kiểu Ten Hag
Ten Hag dường như đã bắt trúng “long mạch” về tâm lý khi đề cập đến mẫu hình trận đấu này: Chiến thuật này phù hợp với những gì mà Ole Gunnar Solskjaer đã phác thảo vào tháng 11/2020, và MU đã từng thống trị Premier League và vô địch Champions League với cách chơi tương tự. Sir Alex Ferguson đã xây dựng các tập thể có khả năng chuyển trạng thái cực nhanh và hiệu quả.
“Nếu bạn mất niềm tin, bạn sẽ mất hết”, Ten Hag trả lời Sky Sports. “Chúng tôi phải tiếp tục và tuân thủ kế hoạch. Trong một thời gian dài, chúng tôi đang trong quá trình chuyển tiếp tại Manchester United. Từ khi tôi đến, chúng tôi biết rằng chúng tôi cần phải thay đổi. Chúng tôi cần thay thế một số cầu thủ lớn tuổi”.
Ông nói chuyện thay máu sau khi MU đã chi ra hơn 200 triệu euro để đưa về 5 tân binh (sau khi đẩy đi 13 cầu thủ), với lựa chọn mua bán đến từ chính… Ten Hag. Đến trợ lý Ruud van Nistelrooy cũng được bổ nhiệm theo ý của Ten Hag. MU hiện tại chính là sản phẩm của Ten Hag trong suốt hơn 2 năm, đến cả những chi tiết nhỏ nhất.
Nhưng bằng các câu chuyện về triết lý bóng đá, Ten Hag đã biến vấn đề của chính ông thành vấn đề của người hâm mộ và ban lãnh đạo: Họ phải có đủ kiên nhẫn để chờ đợi.
Nhưng thước đo cao nhất với một HLV luôn là kết quả, thể hiện bằng số điểm giành được và lối chơi. Ten Hag đòi hỏi sự kiên nhẫn tương đương với vị trí của một… giám đốc kỹ thuật, người kết nối và hoạch định phong cách chung của đội bóng.
Mùa 1998-99, sau khi Newcastle hoà liên tiếp hai trận đầu mùa, đội bóng này đã sa thải Kenny Dalglish, một huyền thoại của bóng đá Anh, người đã vô địch Anh cùng với Liverpool và Blackburn. Quá khứ chẳng có nghĩa lý gì ở đây cả, huống hồ với người có rất ít điều để tự hào vì quá khứ như Ten Hag.
Năm ngoái, sau khi biết tin cậu học trò cũ Gennaro Gattuso bị Valencia sa thải phũ phàng, HLV huyền thoại Carlo Ancelotti chỉ buông gọn một câu: “Thực tế nó phải thế, với nghề HLV. Tất cả chúng tôi đều từng bị sa thải, trừ Guardiola, nhưng rồi cậu ấy cũng sẽ bị sa thải nếu tiếp tục làm việc này”.
Huyền thoại Ancelotti từng bị sa thải đến 6 lần (Parma năm 1998, Juventus năm 2001, Chelsea năm 2011, Real năm 2015, Bayern năm 2017 và Napoli năm 2019), nhưng ông là một trong những nhà cầm quân vĩ đại nhất mọi thời, với 4 danh hiệu Champions League và chiến tích vô địch ở 5 quốc gia khác nhau.
Nhìn vào Ancelotti, thì sa thải Ten Hag thật ra là một quyết định tốt cho cả chính HLV người Hà Lan. Ông đang được số phận nuông chiều quá đáng, và cố gắng né tránh một thực tế tàn nhẫn, nhưng cần thiết của nghề HLV.
Bằng không, MU nên thuê thêm Ten Hag 10 năm, ở vị trí… giám đốc kỹ thuật, thì đúng vai hơn, với những gì Ten Hag đang nguỵ biện.