Site icon 8XBET

Chữ và nghĩa: Câu chuyện “tiền giả định”

Chữ và nghĩa: Câu chuyện "tiền giả định" - Ảnh 1.

“Vua nước Pháp hiện nay hói trán”. Đó là ví dụ mà nhà Việt ngữ học Nguyễn Đức Dân (1987) dẫn ra khi ông giới thiệu về Tiền giả định trong ngôn ngữ. Tiền giả định là một khái niệm còn xa lạ với nhiều người. Nhưng đây lại là một trong những khái niệm “nhập môn” của Lý thuyết Hội thoại và Ngữ dụng học.

Nói một cách ngắn gọn, tiền giả định (presupposition) là “những thông tin không có trong phát ngôn (vừa được hiện thực hóa) nhưng (những thông tin này) phải được cả người nói và người nghe chấp nhận (có giá trị đúng) thì phát ngôn đó mới có hiệu lực giao tiếp”.

Câu nói “Vua nước Pháp hiện nay hói trán” có tiền giả định: “Nước Pháp (hiện nay) có vua”. Tiền giả định này hoàn toàn sai vì nước Pháp (trong ví dụ được B. Rusell dẫn và phân tích năm 1905) không có vua. Quốc gia này đã bãi bỏ chế độ quân chủ từ sau Cách mạng Tư sản Pháp (1789).

Cũng phải nói thêm, có những câu không chỉ có 1 mà có thể có nhiều tiền giả định. Chẳng hạn câu “Đóng cửa lại!” có một ‘chuỗi” thông tin tiền giả định cần được thỏa mãn.

1. Căn phòng có cửa và cái cửa nói tới đang mở.

2. Trong phòng đang có ít nhất hai người và một người có khả năng đóng được cửa.

3. Người nói là người có quyền “ra lệnh” (Vì câu tỉnh lược “Đóng cửa lại!” chỉ có thể là từ một người có quyền uy, người lớn tuổi hơn hoặc chí ít là người ngang hàng. Nếu không sẽ phải nói “Phiền bác đóng giúp cửa lại!” hoặc “Anh đóng cửa lại đi!”, nói tỉnh lược sẽ bị coi là xách mé, vô lễ).

Dẫn thêm ví dụ “Con cô Lan Anh hôm qua bị ốm”, ta sẽ có một loạt tiền giả định:

1. Cô Lan Anh đã có chồng và đã có con (có thể cô Lan Anh chưa có chồng nhưng đã có con (mẹ đơn thân) và có thể cô chưa có con (đúng nghĩa là con đẻ) nhưng ít nhất phải có một người gọi cô là mẹ(con nuôi).

2. Nếu cô Lan Anh đã có chồng và có con thực thụ thì tuổi của cô ít nhất là 19, vì theo Luật Hôn nhân Gia đình Việt Nam hiện nay, phụ nữ phải 18 tuổi mới được phép kết hôn…

Trường hợp có nhiều dữ kiện suy luận “ngoài phát ngôn” như thế người ta gọi là “tiền giả định bách khoa”.

Nhà ngữ học Ch. Fillmore (1976) cho rằng một (hay chuỗi) tiền giả định của câu nói là “điều kiện dùng” cần phải thỏa mãn để phát ngôn được chấp nhận. Nguyễn Đức Dân gọi là “tiền giả định ngữ dụng”. Người ta ứng dụng tri thức tiền giả định để kiểm chứng giá trị đúng của các phát ngôn (nhất là các phát ngôn đơn lẻ, ngữ cảnh hẹp). Ví dụ, nếu buổi tối ta vào cổng nhà nào đấy mà nghe chủ nhà nói: “Cẩn thận khéo bưởi rơi xuống đầu” thì ta có ngay tiền giả định “Nhà có trồng bưởi trong sân”.

Tiền giả định giúp “chân thực hóa” phát ngôn vừa nói mà các thông tin dữ kiện không hiển ngôn. Phát ngôn (hay câu) có thể không sai về cấu trúc và ngữ nghĩa (như câu “Vua nước Pháp hiện nay hói trán”) nhưng sẽ mất giá trị giao tiếp nếu tiền giả định của nó là sai.

Những lời anh nói hôm qua

Theo tiền giả định hóa ra tầm phào.

Exit mobile version