Site icon 8XBET

Chữ và nghĩa: “Tình trong như đã…”

Chữ và nghĩa: "Tình trong như đã…" - Ảnh 1.

“Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Đây là câu thơ thứ 164 trong Truyện Kiều. Có thể nói, đó là câu thơ “tiêu điểm” của trường đoạn mô tả cuộc du Xuân, viếng thăm và tảo mộ của chị em nhà Kiều nhân tiết Thanh minh. Sự kiện này là khởi nguồn cho một loạt biến cố lớn lao (mang tính định mệnh) của gia đình nhà Kiều, trong đó có cuộc đời Kiều.

Trường đoạn này có sự xuất hiện của chàng trai “Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh” mà theo mô tả của Nguyễn Du thì chàng là người có “Nền phú hậu bực tài danh/ Văn chương nết đất thông minh tính trời/ Phong tư tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Bấy giờ, chàng Kim ngẫu nhiên gặp 2 thiếu nữ xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn (là Thúy Kiều và Thúy Vân) thì quả là duyên kỳ ngộ “trời xui đất khiến”. Mô tả đến đây, Nguyễn Du chốt hạ 2 câu:

“Người quốc sắc kẻ thiên tài

Tình trong như đã mặt ngoài còn e”.

Có thể hiểu 2 câu này là: Một bên là 2 người đẹp tầm quốc gia “nghiêng nước nghiêng thành”, một bên là một chàng trai con nhà danh giá, đẹp trai tuấn tú và tài năng trời phú. Họ giáp mặt nhau, biết về nhau và đem lòng cảm mến nhau. Trong mỗi người đã có một tình cảm rất thiện chí về nhau. Chỉ có điều tế nhị mà cách ứng xử bề ngoài còn có điều e ngại, giữ ý.

“Tình trong như đã”, vậy chữ “đã” ở đây được hiểu thế nào?

“Đã” trong Từ điển tiếng Việt, từ này được phân định thành các từ loại khác nhau: 1) động từ: [cũ] có nghĩa “khỏi hẳn bệnh” (VD: Mẹ tôi uống đủ các thứ thuốc mà bệnh vẫn chưa đã); 2) tính từ, có nghĩa “ở trạng thái hoàn toàn hài lòng do được đáp ứng đầy đủ về nhu cầu sinh lý hoặc tâm lý nào đó” (VD: Uống chưa đã khát; Ăn cho đã thèm…); 3) phụ từ, có nghĩa “biểu thị sự việc, hiện tượng đang nói đến xảy ra trước hiện tại hoặc trước một thời điểm nào đó, được xem là mốc, trong quá khứ hoặc tương lai” (VD: Anh ấy đã đi từ hôm qua; Tháng sau nó đã cưới vợ); 4) trợ từ, có nghĩa “biểu thị ý nhấn mạnh sắc thái nghi vấn hoặc ý thiên về phủ định trong một số câu có hình thức nghi vấn” (VD: Tôi thuyết phục chắc gì nó đã nghe? Đã đẹp mặt chưa?) (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2020).

Trong Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa học xã hội, 1974) Đào Duy Anh đã thống kê “đã” xuất hiện 265 lần và cho từ này có nghĩa “chỉ thời quá khứ, chỉ sự vật hay tình trạng qua rồi, xong rồi, dĩ nhiên, cố nhiên, quyết nhiên…”.

Có thể nói, “đã” trong “tình trong như đã” là sự hòa kết về nghĩa của 2, 3 và 4 (theo nghĩa trong “Từ điển tiếng Việt”, vừa dẫn). Trong câu thơ, tác giả muốn nói “cái tình đã có, cái duyên đã bén ở trong lòng (của các đương sự, cụ thể là Kim Trọng và Thúy Kiều), nó hiển nhiên, không còn phân vân, nghi ngờ gì nữa”. Ở đây, tác giả dùng “như đã”, tức là “đã đạt tới mức độ đã, có thể coi như đã” (dĩ thành – perfect, chứ chưa hoàn thành – perfective).

Câu trên rõ ràng còn thiếu, chưa hết ý, đã bị tỉnh lược. (Tình cảm trong lòng họ đạt độ chín, 2 bên đã “phải lòng” nhau). Tuy tỉnh lược (rút gọn lâm thời) nhưng người đọc vẫn hiểu, không nhầm lẫn. Hơn thế nữa, khi đọc còn cảm thấy hay bởi cách nói ngắn gọn, hết sức súc tích này. Sự diễn biến mạch lạc của câu chuyện giúp cho câu thơ tường minh trong ngữ cảnh, dù chưa nói hết ý vẫn được hiểu một cách hết sức bình thường, tự nhiên, hợp cảnh. Ở đời (nhất là trong tình cảm lứa đôi), ta bắt gặp không ít những tình cảnh như vậy: Cái bụng đã ưng nhưng cử chỉ, hành động thì vẫn rụt rè, giữ ý, chưa dám bộc bạch.

Tình trong đã rõ, đã tường

Nhưng vì vừa gặp giữa đường nên e

Exit mobile version