Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận không chỉ là câu chuyện cải tạo và nâng cấp một không gian xưa cũ của Hà Nội. Xa hơn, nó còn tạo sự kết nối giữa khu vực này và công viên Thống Nhất liền kề, để thiết lập một quần thể sinh thái – văn hóa có giá trị lớn cho thành phố.
1. Các tư liệu nghiên cứu cho thấy hồ Thiền Quang (từng mang các tên hồ Liên Thủy, hoặc Halais theo tiếng Pháp) từng có diện tích khá lớn trong quá khứ. Tới thời Pháp, hồ bị lấp dần để mở rộng các tuyến phố xung quanh và dần ổn định diện mạo như bây giờ từ thập niên 1930 với tổng diện tích khoảng 5 héc-ta.
Nhiều năm qua, khu vực này vẫn giữ vai trò như một không gian công cộng quan trọng của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Tuy nhiên, những hạn chế về quy hoạch khiến hệ thống công viên ven hồ và các dịch vụ công cộng chưa phục vụ người dân được trọn vẹn. Bên cạnh đó, phần lòng hồ bị bo cứng, thiếu sự kết nối mặt nước để có thể phát huy được ưu điểm thiên nhiên sẵn có, trong khi phần vỉa hè được thiết kế không đa dạng, thiếu hợp lý về vị trí đỗ xe và không kết nối tốt với các khu vực ven hồ.
Đáng nói, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng tại hồ Thiền Quang cũng tiếp tục xuống cấp và trở nên lỗi thời – đặc biệt là trong bối cảnh không gian này vẫn chưa có sự phân vùng theo từng khu vực để tổ chức các hoạt động đa dạng phù hợp với từng đối tượng hoặc lứa tuổi.
Bởi vậy, ở thời điểm các không gian phụ cận bước đầu được chỉnh trang – mà điển hình là việc hạ một phần hàng rào công viên Thống Nhất và thiết lập phố đi bộ Trần Nhân Tông vào cuối năm 2022, cũng như một số đồ án liên quan tới việc cải tạo các kiến trúc xung quanh như quần thể chùa Quan Hoa – Pháp Hoa – Thiền Quang; Nhà văn hóa học sinh – sinh viên Hà Nội đang được triển khai…; rõ ràng việc cải tạo không gian hồ Thiền Quang là điều cần phải tính đến để phát huy giá trị về tổng thể.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Tiến Quang (Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận được quận Hai Bà Trưng nghiên cứu từ năm 2023, với mục đích nâng cấp, cải tạo phát huy các giá trị di tích cảnh quan khu vực này và xây dựng các hoạt động để đưa các giá trị khu vực vào phục vụ người dân Thủ đô.
Đáng nói, các khảo sát phân tích ban đầu cho thấy: Dù có những hạn chế, không gian hồ Thiền Quang vẫn có nhiều tiềm năng lớn để trở thành cụm cảnh quan mang ý nghĩa sinh thái và thu hút các hoạt động thăm quan vui chơi, từ đó dần trở thành điểm kết nối giữa những không gian và kiến trúc giàu giá trị xung quanh như công viên Thống Nhất, tượng đài Cảnh sát giao thông và Phòng cháy chữa cháy, câu lạc bộ Học sinh – sinh viên Hà Nội (còn gọi là Cung thanh niên Hà Nội), cụm chùa Quan Hoa.
Thậm chí, ở góc độ rộng hơn, những tuyến phố lân cận ven hồ như Nguyễn Du, Quang Trung, Liên Trì, Trần Nhân Tông đều là những không gian lâu năm và quen thuộc với Hà Nội, có sẵn một số kiến trúc Pháp cũ, các dịch vụ thương mại nhỏ cùng nhiều nhà hàng từ bình dân tới cao cấp. Trong trường hợp quy hoạch tốt và tạo sự tương tác, những tuyến phố này đều có thể “cộng hưởng” phát huy thêm giá trị của khu vực quanh hồ.
2. Một trong những yêu cầu cơ bản của đồ án này là bảo tồn hệ thống cây xanh, mặt nước hiện có.
Ngoài việc giữ lại toàn bộ cây xanh, cây lâu năm, cây tầng cao đang tồn tại, một số lớp cây tầm thấp, cây cỏ viền, cây tầm trung… được bổ sung để mở rộng và tổ chức lại hệ thống không gian xanh tại đây. Gắn với lượng cây xanh này, các tiện ích công cộng như thùng rác, ghế ngồi, đèn chiếu sáng, vòi phun nước, máy tập thể dục, quầy dịch vụ, nhà vệ sinh công cộng, cây thông tin, cũng được triển khai để phục vụ sinh hoạt của du khách.
Riêng với hồ Thiền Quang, phần bờ cỏ viền hồ được cải tạo lại để gia tăng tương tác với mặt nước theo nguyên tắc tạo dựng cảnh quan, không bo cứng hoặc bê tông hóa, “làm mềm” các phần viền hồ, viền cỏ, viền bờ hoa để tạo sự mềm mại tự nhiên, tôn lên các giá trị sẵn có của thiên nhiên. Đồng thời, các bậc thềm ngắm cảnh rộng dự kiến cũng sẽ được bố trí để tạo không gian nghỉ ngơi, giao lưu của cộng đồng, tránh tình trạng ngồi tràn lan, thiếu tổ chức và mỹ quan như hiện nay.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của dự án này gắn với việc việc thiết lập khu vực quảng trường trung tâm ven hồ Thiền Quang trên phố Trần Nhân Tông. Trên thực tế, đây là không gian giàu tính biểu trưng và mang hàm lượng cao về lịch sử văn hóa, khi cái tên “Thiền Quang” mang nghĩa “ánh sáng của thiền”, còn tên phố chính là anh hùng dân tộc – Phật hoàng Trần Nhân Tông, sư tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Thiền phái mang đậm bản sắc Việt Nam, hướng dẫn người Việt Nam sống theo nếp thiền, lấy đạo đức, giữ giới làm căn bản tu tập, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc.
Ở bối cảnh hiện tại, phố Trần Nhân Tông có giao thông đông, kéo dài, thiếu điểm dừng thị giác, chưa đủ hấp dẫn người dân. Theo định hướng không gian của đồ án, toàn bộ phần hè phố đi bộ khu vực này sẽ được nâng cấp, cải tạo thành không gian quảng trường rộng, thông suốt từ tượng đài Cảnh sát giao thông và Phòng cháy chữa cháy tới cổng chính công viên, để kết nối trục chính của công viên.
Ở phần trung tâm quảng trường này, dự kiến một số điểm nhấn thị giác sẽ được tạo dựng trên nguyên tắc không chắn tầm nhìn từ công viên Thống Nhất ra hồ Thiền Quang. Ngoài ra, tương ứng với khu vực dự kiến tổ chức nhạc nước trên hồ Thiền Quang (nằm ở đoạn giữa tượng đài và cổng chính), một trục phụ gắn kết giữa hồ với công viên cũng được mở ra tại quảng trường.
Theo kỳ vọng, toàn bộ quảng trường có thể tổ chức các hoạt động quy mô lớn, đông người với nhiều chức năng như tổ chức biểu diễn nghệ thuật và lễ hội, trung tâm buôn bán – giao thương hàng hóa, nơi dừng nghỉ cho du khách. Mặt khác, quảng trường này cũng là nơi kết nối giữa công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang, để từ đó “chuyển tiếp” các hoạt động công cộng từ bên ngoài vào phía trong công viên.
Ngoài quảng trường chính này, theo phân tích của đồ án, 4 góc hồ Thiền Quang cũng là các không gian gắn với những điểm nhìn quan trọng như điểm nhìn từ ngã tư Nguyễn Du – Quang Trung, điểm nhìn từ ngã ba Quang Trung – Trần Nhân Tông. Do vậy, tại 4 góc hồ Thiền Quang, 4 không gian mở có tên gọi Xuân – Hạ – Thu – Đông sẽ được thiết lập với chủ điểm tượng trưng theo 4 mùa của Hà Nội, mang công năng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, cũng như khơi gợi cho du khách về vẻ đẹp theo mùa của thành phố.
Được biết, từ đầu năm 2024, Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận đã được trưng bày lấy ý kiến nhân dân và nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối từ dư luận. Bên cạnh đó, đồ án cũng nhận được sự góp ý của một số chuyên gia về quy hoạch và đô thị, từ đó có một số điều chỉnh cần thiết như chỉnh lại phần không gian mở “mùa Thu” để đảm bảo không hạn chế hướng nhìn; hạ thấp cao độ các bồn cây, bó gốc để gắn kết không gian cây xanh với đường đi dạo…
Về tiến độ, đồ án đươc chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tổ chức cải tạo cảnh quan xung quanh hồ thiền Quang) đã được triển khai từ 3/2024 và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 (tạo lập không gian trung tâm và hoàn thiện các nội dung còn lại) dự kiến chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 và hoàn thành năm 2026.
“Với các lợi thế, giá trị sẵn có về cây xanh và mặt nước, quần thể hồ Thiền Quang – công viên Thống Nhất khi được hoàn thành sẽ là điểm nhấn về cảnh quan của quận Hai Bà Trưng và của Hà Nội” – ông Nguyễn Tiến Quang cho biết – “Ở đó, không chỉ tham gia các hoạt động vui chơi, cộng đồng mà còn được thưởng thức không gian cảnh quan cây xanh, hồ nước mát mẻ của công viên, để cảm nhận thiên nhiên, nghỉ ngơi, tái tạo sau những giờ lao động trong ngày”.