Tuần

Uy tín hơn trăm năm của Giải Nobel không phải lúc nào cũng áp đặt được quyền lực của mình lên đại chúng, nhất là trong những lĩnh vực nhiều cảm tính như văn học nghệ thuật. Cho nên, trong lịch sử dài của mình, Nobel văn chương vẫn có nhiều trường hợp còn gây tranh cãi.

Giải Nobel văn chương năm 2024 gọi tên Han Kang đã làm nức lòng người Hàn Quốc, vốn đang khát khao ghi tên mình vào bản đồ văn học thế giới.

Hàn Quốc giải tỏa cơn sốt Nobel

Khát vọng này không có gì lạ, khi họ đã làm nên điều mà ngày nay thế giới quen gọi là “kỳ tích sông Hán” (sông Hán là tên con sông chảy qua Seoul của Hàn Quốc mà nhiều người vẫn quen gọi là “sông Hàn”) với nền kinh tế. Hơn 20 năm qua, cả thế giới đã kịp chứng kiến quyền lực mềm của Hàn Quốc biểu hiện qua công nghiệp văn hóa. Gần như khắp châu Á nước nào cũng có trung tâm dạy tiếng Hàn, hoặc khoa/bộ môn tiếng Hàn trong trường đại học.

Han Kang & dư âm Nobel văn chương - Ảnh 1.

Trong khi mô hình nhóm nhạc nam/nữ đã thoái trào ở các nền công nghiệp âm nhạc lớn như Anh – Mỹ thì Hàn Quốc đã chứng tỏ rằng mình có thể bắt đầu từ chỗ thế giới kết thúc. K-pop ngày nay không chỉ chứng tỏ tầm ảnh hưởng của mình ở châu Á, mà toàn thế giới.

Phim truyền hình Hàn Quốc phủ sóng khắp nơi, đơn cử như phim Trò chơi con mực gây được hiệu ứng toàn cầu, đạt 6 giải Emmy (được xem là Oscar của ngành phim truyền hình) năm 2022.

Trong khi đó, điện ảnh Hàn từ lâu là khách quen của những liên hoan phim quốc tế danh giá bậc nhất, một trong các đỉnh điểm là giải Oscar cho Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim Ký sinh trùng của Bong Joon Ho.

Cho nên, có nhiều ý kiến cho rằng Hàn Quốc chỉ còn thiếu một giải Nobel văn chương là đủ khẳng định quyền lực văn hóa toàn diện của mình. Giờ đây, giấc mộng đó đã hoàn thành với Giải Nobel văn chương năm 2024 trao cho Han Kang – một đại diện tiêu biểu của văn học Hàn Quốc. Chẳng phải trùng hợp sao, khi tên của bà viết theo Hán tự có nghĩa là “sông Hán” – thêm một “kỳ tích sông Hán” nữa cho văn chương.

Ngay lập tức cả Hàn Quốc bùng nổ. Những lời chúc mừng tràn ngập khắp cõi mạng. Người dân xếp hàng trước cửa các nhà sách để chờ mua các tác phẩm của Han Kang. Theo TTXVN, chỉ trong vòng 4 ngày, hơn 500.000 bản sách các tác phẩm của bà đã được bán ra trên 2 nhà sách trực tuyến hàng đầu nước này.

Han Kang & dư âm Nobel văn chương - Ảnh 2.

Không chỉ tạo được hiệu ứng ở Hàn

Ngay sau khi có thông tin Han Kang đạt giải Nobel, Nhà xuất bản Trẻ thông báo tái bản tác phẩm Người ăn chay sau 14 năm phát hành ở Việt Nam. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên của bà in ở Việt Nam.

Nhưng cái tên Han Kang không phải đợi đến lúc này mới lần đầu đến với độc giả Việt Nam. Nếu từng đọc Đi học của nhà văn Phan Triều Hải xuất bản năm 2005, hẳn sẽ ấn tượng với một Han Kang “rất tếu nhưng khuôn mặt lúc nào cũng mang vẻ sầu muộn chậm rãi với cặp kính trễ trên sóng mũi” (trích Đi học, NXB Trẻ). Năm đó Phan Triều Hải và Han Kang cùng tham gia chương trình viết văn do Đại học Iowa (Hoa Kỳ) tổ chức.

Tác phẩm Người ăn chay lần đầu được xuất bản ở Hàn Quốc năm 2007. Năm 2011 được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Thời điểm đó Han Kang được giới thiệu là một trong những tác giả trẻ đương đại nổi bật của Hàn Quốc, cùng với những cái tên như Kim Young Ha (Chơi quizshow, Tôi có quyền hủy hoại bản thân, Điều gì xảy ra, ai biết…) hoặc Shin Kyung Sook với hiện tượng xuất bản Hãy chăm sóc mẹ…

So với các nhà văn đồng nghiệp, dường như ở Việt Nam, Han Kang không được số đông độc giả nhiệt tình đón nhận. Bằng chứng là dù xuất hiện gần như cùng lúc, nhưng cho đến nay, mới số ít tác phẩm của Han Kang được xuất bản ở Việt Nam và số lượng sách bán ra cũng chưa tương xứng với tên tuổi của bà. Dù vậy, khi bản dịch tiếng Anh của tác phẩm Người ăn chay giúp Han Kang đoạt giải Man Booker quốc tế (giải thưởng chia cho tác giả và dịch giả) tên tuổi của bà mới được chú ý trở lại ở thị trường Việt Nam.

Lần lượt các tiểu thuyết Bản chất của người và Trắng được xuất bản ở Việt Nam vào các năm 2019 và 2021. Cho đến nay, các tác phẩm này đã hết hàng và đang đợi được tái bản nhờ hiệu ứng giải Nobel văn chương mang lại.

Tiểu thuyết Người ăn chay gồm 3 liên truyện gắn kết với nhau, trọng tâm là chuyện một phụ nữ thị dân đột ngột không chấp nhận được việc ăn thịt và vật lộn để tồn tại trong gia đình tràn ngập định kiến, khi mà người thân chống lại cô, lợi dụng cô, đối xử với cô như một người điên loạn.

Tiểu thuyết này được Anders Olsson – Chủ tịch Ủy ban Nobel – trong diễn từ công bố giải Nobel nhận định là “bước đột phá quốc tế” của Han Kang.

Trước khi cuốn Người ăn chay nhận giải Man Booker quốc tế, giải thưởng này thường được trao cho sự nghiệp của tác giả chứ không trao tác phẩm. Đây là giải thưởng bổ sung cho giải Man Booker trao cho những tác phẩm nguyên bản viết tiếng Anh. Năm 2016, giải này thay đổi thể lệ và Han Kang trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải. Giải Man Booker quốc tế năm đó có tính bước ngoặt và Han Kang đã dự phần vào bước ngoặt lịch sử đó. Dù bản dịch tiếng Anh dấy lên không ít tranh cãi ở Hàn Quốc khi bị cho là không trung thành với văn phong của Han Kang.

Nếu đọc qua 2 tác phẩm Người ăn chay và Trắng sẽ thấy một lối viết tiết chế, dồn nén, giàu chất thơ. Cả trong tác phẩm dựa trên lịch sử bi thương của Hàn Quốc thời hiện đại như Bản chất của người, chất thơ đó ở Han Kang vẫn không mất đi.

Tiểu thuyết Bản chất của người lấy bối cảnh thành phố Gwangju năm 1980, nơi xảy ra một sự kiện bi thảm. Đây là thành phố quê hương của Han Kang, bà và gia đình chuyển đến Seoul trước đó không lâu, nên không bị cuốn vào bi kịch lịch sử này. Cũng trong diễn từ của Anders Olsson, ông nhận xét tiểu thuyết này “vừa viễn kiến vừa cô đọng, dẫu vậy vượt khỏi kỳ vọng của chúng ta ở thể loại đó, bút pháp đặc biệt của bà là cho phép linh hồn người chết rời cơ thể, do đó cho phép họ chứng kiến sự hủy diệt của chính mình”.

Trong khi đó, Trắng là cuốn tiểu thuyết cực kỳ cá nhân. Bản in tiếng Việt của tác phẩm này chưa tới 100 trang, bao gồm chuỗi các ghi chép về các vật thể có màu trắng. Đây cũng là một trong các tác phẩm được đánh giá là tiêu biểu của Han Kang.

Han Kang & dư âm Nobel văn chương - Ảnh 3.

Ai xứng, ai không?

Kể từ khi trao giải Nobel văn chương đầu tiên vào năm 1901, giải thưởng này đã có “truyền thống” gây tranh cãi.

Thực tế cho thấy không hiếm tác giả đoạt giải Nobel đã gần như bị lãng quên ngày nay, trong khi rất nhiều đại tác gia khác chưa từng được trao giải. Năm 2016, ủy ban của giải này làm độc giả toàn thế giới bất ngờ khi trao cho ca – nhạc sĩ Bob Dylan, thêm một trường hợp nữa khiến công chúng hoang mang.

Giải Nobel năm nay cho Han Kang cũng là trường hợp khá bất ngờ. Khi nhiều năm trước đây, mỗi khi Hàn Quốc nhắc đến giải Nobel, thường công chúng nghĩ đến nhà thơ Ko Un, người đã kinh qua những thăng trầm trong lịch sử Hàn Quốc, xét về thâm niên, uy tín quốc tế, bản lĩnh văn chương, Ko Un đều có vẻ nhỉnh hơn Han Kang.

Tuy nhiên, Han Kang đã không còn là “nhà văn trẻ” ở “địa phương” lâu rồi. Sinh năm 1970, năm nay 54 tuổi, bà thuộc vào thế hệ những văn nghệ sĩ đã làm nên nền văn hóa Hàn Quốc hiện đại đang chinh phục công chúng toàn cầu.

Xét trên phương diện này, giải thưởng Nobel năm nay còn trao cho… tương lai, khi mà sự nghiệp của Han Kang vẫn trên đà phát triển. Trong khi đó, các tác giả Nobel thường lớn tuổi, không ít người nhận giải ít lâu sau thì qua đời.

Không thể phủ nhận một sự nghiệp gồm các tác phẩm độc đáo của bà, nhưng công chúng mong chờ những tác phẩm tiếp theo của Han Kang, giúp bà làm dày bồi sự nghiệp hơn, cũng là nguồn cổ vũ cho nền văn học phát triển như Hàn Quốc.

Nhìn lại, để đánh giá sự nghiệp của Han Kang, ít nhất ủy ban Nobel phải tiếp cận được với tác phẩm của bà (chủ yếu thông qua tiếng Anh). Điều đó cho thấy chân dung, tên tuổi, sự nghiệp của Han Kang đã được định hình, có một hình dung nhất định trong mắt công chúng quốc tế.

Tin chắc rằng, sau sự kiện Nobel năm nay, Hàn Quốc sẽ còn đầu tư mạnh hơn cho phát triển, phổ biến văn hóa. Trong thời gian tới, chắc chắn những tác phẩm khác của Han Kang cũng như nhiều nhà văn Hàn Quốc sẽ được dịch rộng rãi.

Dường như ý thức được mình là một bộ phận của một nền văn học đang nhiều tiềm năng, nữ văn sĩ Han Kang ứng xử với giải Nobel của mình khá chừng mực và khiêm tốn. Trong cuộc điện đàm với đại diện ủy ban giải Nobel, bà bày tỏ niềm vui, nhưng đồng thời cũng nói sẽ tận hưởng nó bằng việc uống trà với con trai mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]