Nhớ lần cùng nhà văn Nguyễn Khắc Trường tham gia Ban giám khảo cuộc thi của một bộ, tôi tranh thủ hỏi nguyên mẫu các nhân vật tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim Đất và người. Biết tôi sinh ra ở Hạ Long (Quảng Ninh), anh bật mí tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma được hoàn thành ở Trại sáng tác ở Bãi Cháy sau nhiều chuyến đi thực tế sáng tác. Cũng chính tiểu thuyết đó, anh đã quyết định đổi bút danh Thao Trường, trở lại với tên khai sinh

1. Hơn 400 trang viết về nông thôn, tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma được chia làm 26 chương, đặt tên theo số từ chương từ Một đến Hai Sáu. Với sở trường văn xuôi, giọng văn chắc nịch, sự kiện ăm ắp, ngồn ngộn, nhân vật được phân tích, mổ xẻ căn tính, sự tha hóa… thật đa dạng, gai góc.

Song vẫn có một Nguyễn Khắc Trường với giọng văn đẹp, sáng trong, hồn hậu như một họa sĩ miệt mài cầm cọ miêu tả bức tranh nông thôn Việt Nam hiện đại: “Nắng đầu hạ đã lên một lúc lâu mà làng xóm vẫn còn trễ nải như còn gà gật. Gió thổi vu vơ trên những lùm tre vàng xác, càng khiến những ngõ làng trống vắng đến ngẩn ngơ. Trong chiếc lều thủng vách nứa ở ngã ba đầu làng, nắng chiếu qua lớp cỏ tranh đã ải, thủng lỗ rỗ…”; “Đã tối sờ sẫm. Xóm làng trở về tịch mịch. Một con bò gọi con, tiếng âm ồ của nó vang trong bóng chiều chạng vạng. Con bê be lên nũng nịu, rồi tế chạy, nện móng lốc cốc giòn rã trên những viên gạch vồ như ném một tràng mưa đá. Bầy liếu điếu giật mình, kêu thé lên trong bụi tre. Ở dưới ấy, chân các rặng tre, một dải sương mờ mờ như đùn từ dưới đất lên, bay là là phập phồng như giăng một tấm to xanh biếc. Tiếng cuốc kêu luốc cuốc cu loa trầm đục như thấm ướt hơi sương trong ấy. Khói bếp thở trầm ngâm trên mái rạ”…

"Mảnh đất lắm người nhiều ma": Sáng tạo từ tiểu thuyết đến phim và sân khấu - Ảnh 1.

Ai đã từng tiếp xúc với anh đều nhận thấy ở nhà văn toát lên sự thông tuệ, cẩn trọng với chữ nghĩa, hóm hỉnh, dí dỏm, đặc biệt là trí nhớ siêu bền.

Thấy anh mở lời, tôi mạnh dạn gợi thêm một chuyện (cũng hơi ngượng ngại nếu anh trừng đôi mắt to tròn), nhưng nhà văn ngước nhìn cười hiền hiền, không chút miễn cưỡng “Chuyện của thời xa xăm rồi, anh cũng không còn nhớ nữa…”.

2. Từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma nối tiếng của Nguyễn Khắc Trường, nhà văn Khuất Quang Thụy và Phạm Ngọc Tiến đã chuyển thể thành kịch bản Đất và người. NSND Nguyễn Hữu Phần vốn nổi tiếng với phim điện ảnh Em còn nhớ hay em đã quên, đã bắt tay đạo diễn nhiều phim truyền hình về làng quê Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là bộ phim “Đất và người” (đồng đạo diễn Phạm Thanh Phong). Bộ phim hoàn thành và phát sóng trên VTV1 năm 2002 và đoạt giải Cánh diều năm 2002.

Từ tiểu thuyết, ê-kíp sáng tạo đã bám sát nguyên bản gốc xây dựng bộ phim chính luận về làng quê Việt Nam 20 tập. Phim có nội dung xoay quanh toan tính, mâu thuẫn, oán thù “không đội trời chung”, tranh bá đồ vương giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình vốn rất có thanh thế trong làng Giếng Chùa. Cách xây dựng các nhân vật từ văn học đến phim truyện về cơ bản đã bám sát mạch truyện, tâm lý nhân vật, bộc lộ rõ thói gia trưởng, phong kiến, thủ cựu, mang tâm lý tiểu nông “con gà tức nhau tiếng gáy”, luồn cúi, xu nịnh, bức hại nhau một cách tàn độc. Cái ác ma quỷ lộng hành như một nỗi đau khi nhà văn phơi bày, mổ xẻ…

"Mảnh đất lắm người nhiều ma": Sáng tạo từ tiểu thuyết đến phim và sân khấu - Ảnh 2.

Tôn trọng văn bản gốc, phim Đất và người để nguyên tên các nhân vật trong tiểu thuyết và được dàn diễn viên thể hiện chân thực, sống động về bức tranh nông thôn Việt Nam thời hiện đại. Làm nên thành công cho bộ phim có sự đóng góp của các diễn viên Duy Hậu, Hán Văn Tình, Duy Thanh, Hồng Minh, Minh Phương, Thân Thị Giang…

Ê-kíp sáng tạo phim truyền hình đã thay đổi một vài nhân vật, chi tiết cho đạt hiệu quả cho mạch phim. Nhân vật Vũ Đình Tùng (diễn viên Phạm Hồng Minh) – Chủ tịch HTX, là cháu đích tôn của dòng họ Vũ được xây dựng sáng tạo hơn so với nhân vật trong tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết, Tùng là cháu ngoại họ Vũ (mẹ Tùng là chị cả Vũ Đình Phúc) thì trong phim hai tác giả kịch bản đã lái xoay vị thế để Tùng làm trưởng họ của họ Vũ: bố Tùng là anh trai ông Vũ Đình Phúc. Tùng có bản lĩnh, ý chí, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ ở nông thôn. Nhân vật Trịnh Thị Đào (diễn viên Thân Thị Thanh Giang) – con gái ông Hàm và bà Son (diễn viên Bùi Minh Phương) là thế hệ thanh niên mới, biết bảo vệ cái đúng, ý thức sâu sắc sự trở ngại từ dòng họ, gia tộc tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Thế hệ thanh niên dám đấu tranh chống tư tưởng bè cánh, cục bộ làm suy thoái sự nghiệp đổi mới ở nông thôn.

Bẻ lái so với tiểu thuyết không để nhân vật Chu Văn Quềnh chết ngay ở phần đầu tiểu thuyết, ê-kíp đã sáng tạo “kéo dài tuổi thọ”, cho nhân vật hài hước xuyên suốt bộ phim. Nhân vật Quềnh thể hiện dụng ý sáng tạo. Nói về xây dựng nhân vật đặc biệt giao cho nghệ sĩ Hán Văn Tình, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho biết: “trong tiểu thuyết, nhân vật Quềnh chỉ xuất hiện rất ít, nên buộc phải tạo ra một Quềnh khác, dày dặn hơn khác cả về số phận lẫn tính cách” và dự báo chuẩn nhân vật “chắc chắn sẽ bị mất tên”.

Đúng như lời tiên tri, nhân vật được xây dựng sống động tới mức khán giả có thể quên tên, định danh Chu Văn Quềnh của làng Giếng Chùa cho nghệ sĩ Hán Văn Tình như Chí Phèo của làng Vũ Đại, Xuân tóc đỏ trong “Số đỏ”, Giang Minh Sài của “Thời xa vắng”… Quả là “Nhà văn chết, nhân vật từ trang sách/ Vẫn ngày ngày lăn lóc chốn trần ai” (Nguyễn Đức Mậu).

Dấu ấn ca khúc Đất và người da diết trong giọng ca của nghệ sĩ Mai Hoa. Bà xã của nhạc sĩ Trong Đài đã thể hiện rất ấn tượng ca khúc do Trọng Đài sáng tác cho bộ phim. Ca khúc đó đã được Mai Hoa đưa vào album Hương đất – album đầu tay của chị và năm 2018, Mai Hoa làm MV dành riêng cho ca khúc này.

3. Năm 2017, vở kịch Mảnh đất lắm người nhiều ma lên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội. Vở kịch do NGƯT Lê Mạnh Hùng chuyển thể thành kịch bản sân khấu và đạo diễn NSND Lê Hùng đã dàn dựng, Làm nên sắc thái mới cho vở diễn có dự tham gia của các diễn viên chính: Công Lý, Tiến Hợi, Linh Huệ, Hoàng Sơn, Tiến Minh,Thanh Tùng, Tiến Huy, Thùy Linh, Trần Tuấn, Diệu Linh…

"Mảnh đất lắm người nhiều ma": Sáng tạo từ tiểu thuyết đến phim và sân khấu - Ảnh 4.

Năm 2022, vở kịch Mảnh đất lắm người nhiều ma trở lại qua phiên bản dựng mới của NSND Trung Hiếu với ê-kíp sáng tạo: NSƯT Doãn Bằng (thiết kế mỹ thuật), NSƯT Phùng Tiến Minh (âm thanh) cùng các diễn viên NSƯT Quang Thắng, NSƯT Đức Quang, nghệ sĩ Thanh Hương, Xuân Hồng, Đặng Tùng, Tiến Huy, Thanh Tùng, Hoàng Sơn…

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (6/7/1946 – 2/10/2024) quê tại quê hương – xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỉ (nay là xã Bình Sơn, TP Sông Công), tỉnh Thái Nguyên. Vốn có năng khiếu văn chương từ nhỏ, năm 15 tuổi, ông đã có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn học của Khu tự trị Việt Bắc do nhà thơ Nông Quốc Chấn làm tổng biên tập. Truyện ngắn đầu tay đã khích lệ, hướng ông đến con đường văn chương. Tháng 8/1964, Khắc Trường nhập ngũ vào Binh chủng Phòng không – không quân. Từ nhân viên thông tin vô tuyến điện (2/1965-1/1969), văn chương đã dẫn dắt đưa ông đến với chữ nghĩa, làm phóng viên, biên tập báo Phòng không – Không quân (1969 -1979) với bút danh Thao Trường – tác giả quen của những bài bút ký, ghi chép, truyện ngắn mang hơi thở hiện thực của chiến tranh, quân đội và nông thôn.

Năm 1979, ông được đơn vị cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa I). Sau khi tốt nghiệp, ông đầu quân cho Ban văn xuôi tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm việc cùng những nhà văn nổi tiếng như Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh… Năm 1992, với quân hàm Trung tá, ông chuyển ngành về tuần báo Văn nghệ, là Trưởng ban biên tập Văn xuôi. Năm 1995, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ. Năm 2003, ông chuyển sang Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tổng biên tập, Phó Giám đốc. Năm 2010, ông nghỉ hưu sống tại quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Với uy tín chuyên môn về văn xuôi, ông từng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010 – 2015). Vật lộn với bệnh tật, nhà văn đành phải bỏ dở hai cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến ở Quảng Trị và quê hương của mình.

Tác phẩm đã xuất bản: Cửa khẩu (Truyện vừa, 1972), Thác rừng (Tập truyện, 1976), Miền đất mặt trời (tập truyện, 1982), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Tiểu thuyết, 1990).

Giải thưởng: Giải nhất cuộc thi bút ký do Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Văn nghệ phối hợp tổ chức năm 1986 với bút ký Gặp lại anh hùng Núp; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma năm 1991 cùng tiểu thuyết Bến không chồng (Dương Hướng) và Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh). Tiểu thuyết đã được dịch sang tiếng Pháp. Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma cùng hai tập truyện ngắn Thác rừng, Miền đất mặt trời là cụm tác phẩm đưa nhà văn Nguyễn Khắc Trường đến Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *