MU là một “chủ nợ” hào phóng hoặc thừa sự kiên nhẫn đối với một con nợ tuyệt vọng vì không có cơ hội để trả cả gốc hoặc lãi khoản vay của mình giống như Erik ten Hag.

“Tôi mến Erik”, tỉ phú Jim Ratcliffe từng nói. “Tôi nghĩ ông ấy là một HLV rất giỏi, nhưng cuối cùng thì đó (sa thải) không phải là quyết định của tôi”. Chủ tịch của Ineos đã đầu tư 1,25 tỉ bảng cho 27,7% cổ phần của Quỷ đỏ, nhưng quyết định có nên gắn bó với HLV người Hà Lan hay không, không nằm trong phạm vi của ông, là một tình trạng kì lạ ở đây.

Con nợ ở Old Trafford

Việc phân cấp ở Old Trafford mà Dave Brailsford, Dan Ashworth, Omar Berrada và Jason Wilcox đều có ảnh hưởng, lại trở thành một điểm tựa đối với Erik ten Hag, thay vì những kết quả trên sân cỏ. Có thể, vì sự chồng lấn trong điều hành đã cản trở ban lãnh đạo MU ra quyết định cần thiết ở thời điểm hiện tại đối với HLV người Hà Lan.

MU hòa như thua trước Porto ở Champions League (3-3) và sau đó là hòa như thắng trước Aston Villa (0-0) tại Premier League. Họ đã không bị hủy diệt nhưng cũng không vươn lên trong nghịch cảnh. Đó không phải là trạng thái hôn mê hay bất tỉnh, nhưng chắc chắn không có nhiều sự sống ở đó.

Tập thể này lay lắt và mòn mỏi chờ đợi một điều gì đó như một hành động nhanh chóng từ ban lãnh đạo câu lạc bộ hơn là chiến đấu vì tính chuyên nghiệp và cả số tiền lương mà họ được nhận mỗi tuần. Không một đội trưởng nào trong quá khứ của MU phải nhận thẻ đỏ trong hai trận liên tiếp vì không kiểm soát được trạng thái thi đấu giống như Bruno Fernandes. Cũng không có lão tướng hết thời nào lại giành giải thưởng xuất sắc nhất trận đấu giống như Jonny Evans có được sau trận hòa Aston Villa, như dưới thời của Alex Ferguson, ngay cả khi ông vời lại Paul Scholes đã treo giày để lấp vào những khoảng trống ở trên sân.

MU là một đội bóng mong manh đến mức trở thành túi đựng bóng của các đối thủ khắp cựu lục địa những năm gần đây. Họ để Porto ghi 2 bàn trong 7 phút, 3 bàn sau 23 phút. Trước nữa, Quỷ đỏ bị Bayern Munich chọc thủng lưới 2 lần trong 4 phút ở Champions League, 2 lần trong 10 phút trước Galatasaray trên sân nhà, 2 bàn trong 4 phút trước Copenhagen và 2 bàn khác trong 9 phút tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở xứ sở sương mù, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn khi họ bị Crystal Palace chọc thủng lưới 2 lần trong 8 phút, tương tự trước Coventry, 2 bàn trong 2 phút trước Chelsea, 3 bàn thua trong 24 phút trước Wolves, 2 bàn trong 11 phút ở Newport và 2 bàn trong 5 phút trên sân nhà trước Aston Villa.

Man United: Khổ như đòi nợ Erik ten Hag - Ảnh 1.

Kết quả hòa 0-0 trước Aston Villa không phải là một sự tiến bộ, mà nó chỉ là kết quả đến từ sự nỗ lực của những cầu thủ dự bị như Maguire và Evans, sau đó, họ lại là nhân vật chính ở trên sân.

Một con tin của thất bại

Trận hòa không bàn thắng trước Aston Villa đã xác lập một kỉ lục khó tha thứ của MU sau 34 năm, khi chỉ giành được 8 điểm sau 7 vòng đấu, ghi được 5 bàn và đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng. Lần gần nhất họ trải qua tình cảnh này là mùa 1989-90, khi còn mang tên First Division.

“Chúng tôi phải cải thiện ở phần ba cuối sân và trong vòng cấm địa. Các tiền đạo phải là sát thủ ở đó. Tôi chắc chắn rằng các tiền đạo của tôi có khả năng làm được điều này”, Erik ten Hag nói sau trận hòa Aston Villa.

Không một trung phong nào mà huyền thoại người Scotland Ferguson đưa về mà không tỏa sáng, điều trái ngược hoàn toàn với màn thể hiện của Rasmus Hojlund, Joshua Zirkzee. Ngay cả những cầu thủ dự bị như Ole Solskjaer, Teddy Sheringham cũng hoàn hảo hơn rất nhiều so với những tiền đạo mà Erik ten Hag sở hữu.

Một mình Erling Haaland ghi bàn nhiều gấp đôi 7 tiền đạo của MU. Tiền đạo người Na Uy trị giá 75 triệu euro, thấp hơn nhiều so với Antony, kém Hojlund (85 triệu euro). Nhưng giá trị mà anh ta mang lại, nếu xét trên số danh hiệu đã giành được cùng The Citizens, gấp 3 lần so với các tiền đạo của Quỷ đỏ.

Bây giờ, không thể đòi hỏi MU phải trở thành đội bóng có bản sắc hoặc phong cách. Những gì cần yêu cầu lúc này chính là đội bóng của HLV Erik ten Hag phải phòng ngự chắc chắn và ghi bàn nhiều nhất có thể.

Chiến lược gia 54 tuổi này cầu xin sự kiên nhẫn và thời gian, nhưng với 82 trận đấu dẫn dắt Liverpool ở Premier League, hiệu số bàn thắng bại của Klopp là +61 và của Arteta là +38 với Arsenal. Trong khi của Erik ten Hag là +11, một con số cực thấp với một câu lạc bộ hàng đầu, đã chi cả tỉ bảng để nâng cấp đội hình.

Không ai mong muốn một HLV tiếp tục đau khổ, nhưng người ta bắt đầu có cảm giác như Ten Hag đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để cứu vãn danh tiếng của mình tại Old Trafford. Bây giờ câu hỏi đặt ra là Ratcliffe và Ineos sẵn sàng chịu đựng tình hình hiện tại trong bao lâu để đảm bảo danh tiếng của chính họ không bị tổn hại thêm.

Nhật Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]