Nhân bài dân ca Qua cầu gió bay đang “nóng” bởi xuất hiện ở vị thế OST (bài hát chính nhạc phim) của bộ phim điện ảnh chiếu rạp mang tên Cám được nhắc đến nhiều thời gian qua, thấy có mấy điều thú vị xin chia sẻ cùng bạn đọc.
Xin nói rõ, bài viết này chỉ đề cập tới bài hát nhạc phim, cụ thể là Qua cầu gió bay công chiếu ngày 26/9 vừa qua trên kênh YouTube CGV Cinemas Vietnam với 735 nghìn người đăng ký. Tính tới hôm qua (14/10), MV thu hút hơn 400 nghìn lượt xem, khoảng 6.400 lượt thích và gần 300 lượt bình luận.
Chọn dân ca vào “Cám” tạo bất ngờ
Việc chọn một bài dân ca đã quá quen thuộc cho bộ phim mang tên Cám tạo ra sự bất ngờ. Với một bộ phim có nội dung làm mới dân gian như Cám, bài hát chủ đạo sẽ thường là một bài hiện đại, kiểu như dân gian đương đại.
Nhưng ở đây, Qua cầu gió bay lại được chọn. Và điều này đã tạo được hiệu quả tới khán giả.
Nhiều người sau khi xem phim Cám ở rạp đã mong đợi nhà phát hành công chiếu OST, cho nên khi được xem MV thì như thỏa nỗi mong chờ, nhiều người đã để lại bình luận: “Lúc xem (phim ở) rạp, đoạn nhạc này làm tớ rung động thật sự” (tài khoản @ryuchan996). “Thật lòng mà nói, điều mình ấn tượng về phim Cám chính là ca khúc này, giọng hát này” (TK @kevinmai84)… Đó là 2 trong số nhiều bình luận dành cho Qua cầu gió bay.
Người được nhiều nhất từ sự yêu thích này có lẽ chính là Lê Thu Hà, ca sĩ thể hiện Qua cầu gió bay. Bởi trước khi xuất hiện trong vai trò ca sĩ thể hiện ca khúc trong bộ phim Cám, nhiều người trong đó có tác giả bài viết không biết đến Lê Thu Hà. Dẫu thế, việc chinh phục được khán giả hay không phải do chính giọng hát và cảm xúc của người ca sĩ. Và điều này Lê Thu Hà đã làm tròn vai. Một bài hát nhẹ nhàng, theo kiểu hát của giới trẻ hiện nay pha lẫn cách hát của những người đã từng học qua thanh nhạc.
Bên cạnh đó là bản phối do nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đảm nhiệm. Nó gần như một sự pha trộn của nhiều màu sắc âm nhạc, từ bán cổ điển cho đến dân gian, tạo nên một bản phối mang chất lượng nghệ thuật, có yếu tố hàn lâm, lại hiểu dân gian. Việc khai thác âm hưởng tiếng sáo với âm sắc hơi u tối phảng phất nét buồn giữ vị trí như nét chủ đạo là rất phù hợp với Qua cầu gió bay, đặt trong bối cảnh là một phần của bộ phim Cám. Nhìn chung, giữa bản phối và giọng hát cùng nhóm bè đã tạo nên một Qua cầu gió bay nhẹ nhàng, mang chất thính phòng lại vừa là một bản pop dễ nghe, tôn trọng phần giai điệu cũng như lời ca vốn đã rất phổ biến của bài dân ca.
Trong khi đó, Qua cầu gió bay là một MV Lyric nên phần hình gần như rất đơn giản, được tạo nên từ những tấm hình liên quan đến nội dung bộ phim Cám, dẫu thế nhưng nó phù hợp với phần âm nhạc. Toàn bộ phần lời ca được hiện lên trên nền những tấm hình này.
Có một cái bẫy chưa vượt qua!
Dẫu bài Qua cầu gió bay có phần âm nhạc hay, ca sĩ thể hiện phù hợp, dễ nghe. Tuy nhiên, vì chọn một bài quá nổi tiếng và quá đặc thù nên những người biết về dân ca đồng bằng Bắc bộ sẽ chú ý xem người nghệ sĩ có vượt qua được một cái “bẫy”trong đó hay không. “Bẫy” ở đây không phải do nhạc sĩ hòa âm đặt ra, cũng không phải đạo diễn hay bất cứ một ai trong ê-kíp để lại mà nó đã có từ hàng trăm năm cùng với sự tồn tại của bài dân ca.
Qua cầu gió bay là cách gọi khác của Yêu nhau cởi áo cho nhau. Đây vốn vừa là bài ca dao, vừa là bài dân ca đồng bằng Bắc bộ, thường thấy nhất hiện nay ở trong dân ca quan họ. Bài gồm 3 cặp lục bát (6 câu thơ), khi nghệ nhân phổ nhạc, sẽ thêm những từ phụ, tiếng đưa hơi và thủ pháp lặp từ… để rồi mỗi cặp lục bát trở thành một bài nhạc có hình thức một đoạn nhạc tròn trịa. Và vì lời thơ quá hay, cách lồng giai điệu quá tài tình nên những câu hát: “Yêu nhau cởi áo ối à cho nhau/ Về nhà, về nhà mẹ cha có hỏi ơ ờ ơ ớ ơ…” đã trở thành câu hát nổi tiếng, phổ biến của âm nhạc dân gian.
Điều đó có nghĩa, một trong những đặc trưng tạo nên sự đặc sắc cho dân ca là cách luyến láy. Bài Qua cầu gió bay chỉ có thể thành bài hát, chỉ có thể trở nên duyên dáng khi có từ phụ, tiếng đưa hơi và luyến láy. Nhưng tiếng Việt vốn vô cùng phong phú, bị chi phối bởi các thanh dấu cho nên nếu sử dụng không khéo sẽ biến một từ nào đó sang một nghĩa khác hẳn so với ban đầu. Như trường hợp bài Qua cầu gió bay là điển hình nhất, chẳng hạn từ “cho” trong câu hát “Yêu nhau cởi áo cho nhau” nếu không để ý, nếu hát không khéo, thêm luyến láy chưa đúng thì từ “cho” sẽ biến thành từ “chó”.
Tiếc rằng, ca sĩ hát trong MV Qua cầu gió bay nhạc phim Cám không biết đến chi tiết này và đã vô tình hát thành từ “chó”.
Trong quá trình thực hiện bài viết, người viết tình cờ tiếp cận Qua cầu gió bay phiên bản do nghệ sĩ Đỗ Tố Hoa thể hiện. Đó là một tác phẩm nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp âm nhạc với phong cách thính phòng đậm nét, đồng thời màu sắc dân gian vẫn được giữ và thể hiện bởi sự kết hợp với kỹ thuật thanh nhạc đã nắm rất chắc. Có thể nói, nếu đứng ở góc độ thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thanh nhạc mang chất liệu dân gian Việt Nam thì Qua cầu gió bay phiên bản Đỗ Tố Hoa cũng thuộc hàng đẳng cấp. Tuy nhiên, phần thể hiện từ “cho” trong tác phẩm, người nghệ sĩ đã luyến thêm một nốt theo hướng đi lên, thành ra, vẫn tạo ra âm thanh thành từ “chó”.
Đừng vội ngạc nhiên, vì đây là lỗi không cố ý và không phải một nghệ sĩ mới như Lê Thu Hà hay nghệ sĩ thanh nhạc quen nhưĐỗ Tố Hoa “dính” phải. Đây là lỗi mà rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, đều dễ mắc nếukhông để ý. Không tin bạn cứ thử tìm trên mạng và tự kiểm nghiệm.
Dẫu thế cũng có những nghệ sĩ đã “vượt rào” thành công. Trong phiên bản song ca Qua cầu gió bay của 2 danh ca Khánh Ly và Elvis Phương với phần âm thanh cho thấy đã thu từ lâu, người viết khá bất ngờ khi Khánh Ly đã thoát “bẫy” từ “cho”. Cách hát của bà tạo hiệu quả âm thanh trọn vẹn cho từ “cho” trong khi cùng bản song ca, Elvis Phương thì không. Một bất ngờ khác là 2 ca sĩ có thời gian khá đắt sô thị trường trước đây là Dương Ngọc Thái và Vĩnh Kim Thuyên đã thoát “bẫy” khi chuyển từ “cho” sang từ “trao”, cũng một từ cổ cùng tồn tại với từ “cho”.
Thực ra, dính “bẫy” ở đây chủ yếu là các ca sĩ hát ca mới, còn các nghệ sĩ, nghệ nhân hát dân ca đúng nghĩa, dễ tìm nghe nhất là các giọng caquan họ ở Bắc Ninh – Bắc Giang, thì hầu như sẽ không mắc lỗi này. Bởi đối với ca hát dân gian việc “tròn vành rõ chữ” là tiêu chí hàng đầu và mọi người sẽ rất chú ý đến điều này vì trong quá trình sáng tạo và hát dân ca sử dụng nhiều luyến láy dễ biến từ nên rất cảnh giác!
Tất nhiên, nói ra đây để cho vui, cũng là để góp thêm một hiểu biết đến với các ca sĩ hát ca mới và cả những nhà sản xuất âm nhạc để cho những sản phẩm vốn đã hay trở nên hoàn thiện hơn. Trong khi, những nghệ sĩ chọn hát dân ca, lấy bài dân ca để thực hiện sản phẩm nghệ thuật, đặc biệt là những sản phẩm điện ảnh khai thác dân ca như trường hợp bộ phim Cám khai thác sử dụng Qua cầu gió bay làm OST đó là niềm vui cho âm nhạc truyền thống dân tộc. Và những nghệ sĩ, ê-kíp ấy xứng đáng được trân trọng, những sản phẩm xứng đáng được lan tỏa rộng khắp trong công chúng yêu nhạc.
Hòa âm – Mix – Master: Lê Thanh Tâm
Ca sĩ: Lê Thu Hà
Nghệ sĩ sáo trúc Việt Nam: Đinh Nhật Minh
Violinist: Dũng Phạm
Bè: Lê Thu Hà, Lê Thanh Tâm
Kỹ sư Phòng thu: Dũng Huỳnh, Thiên Đăng
Phòng thu: Telemusic
Đạo diễn: Trần Hữu Tấn
Nhà sản xuất: Hoàng Quân – ProductionQ
Đơn vị phát hành: CGV Việt Nam